Nửa năm trước, vào khoảng thời gian của mùa xuân, Nguyễn Công Hoài rẽ sang một lối sáng tác mới. Anh vẽ những hình người như gốm rạn. Mỗi bức chân dung là một vật thể người đang chực vỡ ra, hoặc có thể là một vật thể người hỏng hóc được cứu vớt, vá víu lại bằng cách ghép các mảnh vỡ. Trạng thái đang sắp vỡ tung hay vừa được vá víu thật khó đoán định.
Nhưng mùa hè rồi, Nguyễn Công Hoài cho tất cả vỡ tung. Tất cả chỉ còn là những mảnh vụn màu đang tan biến vào hư vô.
Triển lãm cá nhân lần thứ 8 mang tên Gió thổi, mây bay của Nguyễn Công Hoài sắp diễn ra tại TPHCM trình diện gần 30 tác phẩm theo phong cách điểm họa (Pointillism). Sự rắn rỏi, gai góc của những đường cọ vốn đã làm nên dấu ấn của anh nay được thay thế bằng các chấm màu mạnh bạo.
Vàng, lam, đỏ là 3 sắc được Nguyễn Công Hoài điệp đi điệp lại trong các tác phẩm, tạo nên chùm tranh rực rỡ nhất từ trước tới nay của anh. Những đốm màu chồng lấp lên nhau, va đập vào nhau rồi văng ra hoặc cuộn xoáy lấy nhau không chủ đích nhưng lại có chung một hướng chuyển động hình cánh cung hoặc lượn sóng - chuyển động của cát bụi trong gió.
Giữa mênh mông điểm họa ấy, thân phận con người hiện ra như ảo ảnh, không rõ trạng thái đang hình thành hay đang hư hoại. Vẫn là những nhân vật quen thuộc đã gặp nhiều lần trong tranh Nguyễn Công Hoài, là người đàn ông thả rơi theo trọng lực của định mệnh, là người phụ nữ mát lành như gió với bầu ngực nở nang và chiếc bụng tròn sinh sôi. Song lần này, họ chỉ còn là các chấm màu lửng lơ vô định, kết nối với nhau một cách rời rạc trong không gian.
Những đau khổ, những lo âu, những chất vấn, những nghi ngờ, những sướng vui trong mỗi phận người hiện lên mơ hồ, như những vẩn bụi xoáy lên, quẩn trong vạt nắng xuyên vào phòng qua ô cửa, và tan biến đi cùng nắng.
Cái vẻ màu rực rỡ trong chùm tranh vì thế không mang sắc thái tươi vui mà như khoảnh khắc bừng sáng trước phút lụi tàn. Một ngôi sao đang chết sẽ phóng ra tinh vân chói lòa. Một gốc cây khô bùn sau trận lụt sẽ bật ra chồi đỏ biếc từ những dưỡng chất cuối cùng sót lại. Cái dấu hiệu của sự sống ấy thực chất lại là dấu son của cái chết, một lời chào trước khi nhập vào nguyên thủy.
Đó là một trải nghiệm suy tư mới mẻ với cả người sáng tạo và người xem tranh.
Nguyễn Công Hoài chia sẻ: "Trong loạt tranh này, tôi muốn khám phá sự mong manh, tính chất tạm thời của mọi thứ đang diễn ra mà tôi quan sát được. Tôi nghĩ về sự tồn tại còn lại như những điểm họa, rời rạc và dễ dàng tan biến. Tôi không còn đặc tả hay tôn lên những biểu hiện cụ thể mà thay vào đó tôi hướng đến sự kết nối bằng những vệt, chấm, như những tồn đọng trong chính mỗi nhân vật chỉ trực chờ bung phá hoặc tan biến vào hư không.
Không có gì là mãi mãi. Chúng ta rồi sẽ mờ nhòa. Cả những khổ đau và muộn phiền cũng không còn nữa. Tựa như một giấc mộng thoảng qua rồi biến mất vào hư vô".
Triển lãm Gió thổi, mây bay của Nguyễn Công Hoài tổ chức tại phòng tranh Huyền Art House (số 8A Đặng Tất, quận 1, TPHCM) từ ngày 18 đến 27/10.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn