Cách cha mẹ giáo dục ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, quyết định, thái độ và nhận thức của chúng ta sau này, đặc biệt trong vấn đề tiền bạc. Sẽ rất tốt nếu cha mẹ bạn dạy con đúng đắn, tích cực.
Tuy nhiên, bài học sai lầm cũng có thể khiến ta hình thành cái nhìn lệch lạc về tiền, khiến sức khỏe tài chính đi xuống. Tất nhiên mọi người không nên đổ lỗi cho cha mẹ, thay vào đó, bạn cần hiểu gốc gác thói quen xấu về tiền bạc, từ đó làm chủ chúng và nỗ lực thay đổi.
Dưới đây là 7 hành vi nuôi dạy con phổ biến của bậc cha mẹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen tiền bạc của bạn và cách khắc phục chúng.
Đây là một vấn đề rất phổ biến của cha mẹ trong cách giáo dục con cái. Trong câu chuyện của gia đình, nhiều phụ huynh coi tiền bạc là vấn đề cấm kỵ và nhạy cảm khi nói đến. Hệ luỵ là khi lớn lên bạn không có nhiều kiến thức về tài chính. Từ đó dẫn đến bạn thường xuyên bị bội chi, tiết kiệm quá mức hay sợ hãi trước đầu tư và lập lập kế hoạch tài chính nói chung.
Giải pháp: Hãy tự mình học hỏi các kiến thức xoay quanh tiền bạc khi lớn lên, đó có thể là cách lập kế hoạch chi tiêu, phương pháp kiếm ra tiền, hình thức đầu tư sinh lời an toàn… Nếu có con riêng, đừng ngần ngại thảo luận các vấn đề tài chính với chúng, đồng thời cho chúng tìm hiểu dần các kiến thức tài chính để phá vỡ vòng luẩn quẩn từ cha mẹ truyền lại.
Nhiều cha mẹ mang tư duy tài chính sai lầm này thường xuyên từ chối những thứ con muốn khi con nhỏ, chẳng hạn như đồ chơi mới hoặc chi tiền cho trẻ theo đuổi khóa học yêu thích… Cũng vì thế sau khi lớn lên, bạn dễ chi tiêu quá mức để bù đắp cảm giác thiếu thốn thời thơ ấu.
Điều này cũng gần giống với tâm lý phản nghịch trong giáo dục con cái. Đó là khi một đứa trẻ được nuôi dạy bởi cha mẹ quá nghiêm khắc sẽ dễ trở nên nổi loạn trong tương lai. Nói cách khác, nếu rơi vào trường hợp này, bạn đang có những hành động sai lầm với tiền bạc vì sự tằn tiện của cha mẹ.
Giải pháp: Tâm sự với bố mẹ về lối sống tiết kiệm của họ. Có thể bạn sẽ nhận thức được nhiều nguyên nhân liên quan đến quyết định của họ hơn những gì bạn biết khi còn nhỏ. Cũng vì thế, tâm lý tiêu tiền để “trả thù" tuổi thơ sẽ phần nào được xoa dịu.
Sau đó, hãy tìm cách tiết kiệm phù hợp với bản thân. Nếu ý chí của bạn không đủ mạnh mẽ để ngừng chi tiêu quá mức, hãy buộc bản thân làm điều đó bằng cách lập kế hoạch tài chính và theo đuổi các thử thách tiết kiệm.
Trái ngược với hoàn cảnh trên, nhiều đứa trẻ thừa hưởng cuộc sống sung túc và được đáp ứng mọi yêu cầu từ cha mẹ. Cũng vì thế khi lớn lên, chúng luôn mong đợi có cuộc sống chất lượng cao. Điều tệ hại sẽ xảy đến khi bạn không kiếm đủ tiền để chi trả cho sự xa hoa này, dẫn đến những khoản nợ không cần thiết.
Giải pháp: Những người trẻ lớn lên trong gia đình kiểu này thường khó hạ chất lượng sống và học cách tiết kiệm. Lời khuyên là bạn nên chuyển tâm lý hưởng thụ cuộc sống hiện tại sang mục tiêu đạt được tự do tài chính và sung túc hơn trong tương lai. Hãy thử bắt đầu với cuộc sống khiêm tốn, giảm nhu cầu vật chất. Số tiền dư thừa thì chuyển sang các mục tiêu quan trọng hơn như mua nhà, nghỉ hưu thoải mái hay chuẩn bị lập gia đình.
Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình thiếu thốn, khi trở thành cha mẹ sẽ như thế nào? Kết quả là chúng thường biến thành người tiêu xài hoang phí, liên tục chiều chuộng bản thân và dễ vượt quá ngân sách chi tiêu.
Đến thế hệ của bạn, nhìn thấy cảnh cha mẹ không biết dùng tiền bạc đúng cách cũng khiến bạn dễ sống vượt quá khả năng. Dù bạn cố gắng tránh trở thành hình mẫu của cha mẹ thì điều này vẫn có thể xảy ra. Bởi lẽ tâm lý học hiện đại chỉ ra, đứa trẻ dễ dàng bắt chước thói quen xấu của cha mẹ hơn là thói quen tốt. Cũng vì thế, lớn lên trong một ngôi nhà nơi những hình mẫu của bạn có lối sống xa hoa sẽ khiến bạn gặp khó khăn khi áp dụng lối sống khiêm tốn.
Giải pháp: Nếu chưa thể tách biệt bản thân khỏi một môi trường khiến bạn chi tiêu quá nhiều thì bạn cần phải đặt ra những ràng buộc để mình không mắc phải sai lầm như cha mẹ. Chẳng hạn như đặt mục tiêu một mức tiết kiệm hàng tháng, tránh xa thẻ ghi nợ để chi tiêu tùy ý mà không có biện pháp bảo vệ thấu chi.
Khi còn nhỏ, bạn từng chứng kiến bố hay mẹ mình được đối phương chăm sóc và không phải lo lắng về tiền bạc. Qua thời gian, bạn dễ hình thành tâm lý: “Tại sao chúng ta phải đấu tranh làm việc nếu bố/mẹ mình không cần làm vậy?” Câu hỏi tiềm thức này thường dẫn đến sự trì hoãn và hành vi vô trách nhiệm về tiền bạc. Bởi vì trong thâm tâm, bạn cho rằng cuối cùng sẽ có ai đó cứu bạn về mặt tài chính.
Giải pháp: Hãy tỉnh dậy sau câu chuyện cổ tích phi thực tế này! Đừng bao giờ chờ đợi ai đó cứu lấy ví tiền của mình, ngoài chính bản thân bạn. Bởi vì không phải ai cũng may mắn có thể nhận được sự trợ giúp liên tục về mặt tài chính. Thêm nữa, tự chủ tiền bạc trong mối quan hệ cũng giúp bạn hình thành sự độc lập trong tính cách và khiến hôn nhân bền chặt hơn. Sau cùng, bạn có muốn nhìn con cái mình nảy sinh tâm lý dựa dẫm vào tiền bạc của người khác như những thế hệ đi trước trong gia đình hay không?
Đây là một thực tế đáng tiếc đối với rất nhiều gia đình. Chúng là tác nhân chính gây ra đủ loại vấn đề tâm lý ở trẻ em, bao gồm cả những quyết định sai lầm về tiền bạc.
Thực tế, những đứa trẻ này khi lớn lên thường muốn kết hôn, mua nhà và lập gia đình sớm vì cảm giác thiếu thốn tình cảm hoặc dễ phạm sai lầm do không có định hướng kịp thời từ bố mẹ. Mọi quyết định này đều tốt đẹp, trừ phi chúng vượt quá khả năng chi tiêu, dẫn đến nợ nần chồng chất và khiến bạn gặp căng thẳng tài chính. Cuộc hôn nhân như thế có thể dẫn đến ly hôn và 1 vòng luẩn quẩn vẫn tiếp tục.
Giải pháp: Hãy luôn đảm bảo mình độc lập tài chính ngay cả khi ở trạng thái độc thân hay đã kết hôn. Bên cạnh các khoản chi tiêu dành cho gia đình, bạn nên duy trì quỹ riêng để tiết kiệm, đầu tư và quỹ hưu trí. Ngoài ra, luôn có một công việc có thể hái ra tiền sau khi kết hôn cũng rất quan trọng. Sau cùng, nếu bạn kiếm được nhiều tiền hơn gấp bội người bạn đời của mình, hãy thử tìm hiểu về thỏa thuận tiền hôn nhân như một biện pháp bảo vệ thiết thực tài sản của mình.
Nhiều bậc cha mẹ từng trải qua cảnh thiếu thốn về vật chất hoặc liên tiếp gặp các cuộc đại suy thoái kinh tế, khó khăn tìm kiếm việc làm. Họ hiểu đồng tiền kiếm ra khó khăn thế nào. Do đó, họ chọn cách đặt tiền của mình nơi an toàn nhất và tránh xa đầu tư - những hình thức “tiền đẻ ra tiền" được bố mẹ coi là rủi ro, có thể đưa bạn giàu có trong phút chốc nhưng cũng có thể “ra đê"' bất kỳ lúc nào.
Hệ lụy là nhiều người con của họ tránh xa hoàn toàn đầu tư. Đây là lựa chọn an toàn, nhưng sẽ lấy đi của bạn nhiều cơ hội sinh lời từ tiền.
Giải pháp: Đầu tư không chỉ tồn tại nhiều rủi ro như bạn tưởng tượng. Hãy cẩn thận tìm hiểu kiến thức và có chiến lược với các quyết định đầu tư của bạn. Hãy nghiên cứu đầy đủ về thị trường, học hỏi thêm từ chuyên gia để đảm bảo bạn biết mình đang đầu tư cái gì, mục tiêu ra sao, rủi ro thế nào. Đừng quên đảm bảo tổng danh mục đầu tư của bạn được đa dạng hóa tốt để mình không phải chịu bất kỳ rủi ro không cần thiết nào.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn