Trải nghiệm tuyệt vời trên xứ vạn đảo

11:00 | 04/04/2017;
Thành phố Yogyakarta là một trong những trung tâm văn hóa đầu tiên của đảo Java (Indonesia). Tới đây, tôi đã có những trải nghiệm thật tuyệt vời.
“Một ngôi đền núi quyến rũ” - đó là cụm từ mà nhà khảo cổ học người Pháp Jeannine Auboyer dùng để nói về ngôi đền Borobudur - công trình được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1991. Đền Borobudur được xây dựng trong khoảng 75 năm - từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ IX, dưới triều đại Syailendra sùng đạo Phật.
Thời đó, vua Syailendra đã huy động nhân dân kiến tạo công trình vĩ đại này để vinh danh Phật giáo và cũng là để tôn vinh sức mạnh chính trị của mình, thúc đẩy giao lưu văn hóa với Ấn Độ. Chính vì thế, ngôi đền đã chịu ảnh hưởng của lối kiến trúc truyền thống Ấn Độ.
Tượng Phật ở đền Borobudur
Ngôi đền cao 42 mét, được xây trên một đài hình vuông. Từng tầng là những bức phù điêu chạm khắc rất tinh tế chạy dài theo các hành lang hẹp, mô tả các giai đoạn của cuộc đời con người khi họ hướng tới sự hoàn thiện. Tất cả thể hiện sự giải thoát theo quan niệm của Phật giáo.
Du khách thăm đền Borobudur
72 stupa - tháp thờ có chứa những tượng Phật ngồi tĩnh lặng, trầm tư bên trong được chạm khắc tinh xảo. Giống như bao người dân và du khách khác, tôi cũng cố thò tay qua những ô trống trên thành tháp để sờ vào những bức tương thiêng nằm bên trong những mong sự may mắn, an lành sẽ tới. Tôi thấy lòng mình thanh thản bởi sự tĩnh lặng của không gian xung quanh, bởi sự uy nghiêm của công trình Phật giáo và thầm thán phục người dân Java đã tạo nên một kỳ quan quá hùng vĩ. Tôi cố ý đến đây vào buổi sáng sớm để ngắm bình minh, màu trời dần chuyển từ vàng, sang đỏ hồng rồi tím nhạt - một cảnh tương quá đẹp khiến tôi không ngừng bấm máy ảnh để lưu lại những khoảnh khắc khó quên này.
"Lâu đài nước" Taman Sari
Điểm tham quan tiếp theo của tôi tại Yogyakarta là cung điện Kraton của dòng họ Sultan - dòng họ đã cai trị nơi này trước đây. Yogyakarta là tỉnh duy nhất ở Indonesia vẫn còn chính thức được quản lý bằng một tiểu vương: Tiểu vương Hadiningrat. Ông kiêm luôn chức vụ Tỉnh trưởng. Đây là vị vua thứ 10 của dòng họ Sultan. Ông vẫn sống trong cung điện cổ mà cha ông mình đã xây dựng 2 thế kỷ trước đây.
Cung điện Kraton
Cách đó chừng 1km là một công trình khác khá nổi tiếng được mệng danh là “lâu đài nước” Taman Sari. Được xây dựng vào năm 1758-1765, Taman Sari là một phần của cuộc sống hoàng gia khi xưa và là nơi khơi gợi sự thích thú nhất với nhiều du khách. Trong văn chương, Taman Sari có nghĩa là “khu vườn thơm ngát”. Đây vốn là một địa điểm bí mật được thiết kế tỉ mỉ, phức tạp và tinh vi, dùng làm nơi hoan lạc cho các vị vua Hồi giáo trong quá khứ cùng với các tùy tùng của mình.
Nghệ thuật nhuộm vải Batik
Bước xuống cầu thang là 2 hồ bơi theo lối kiến trúc Bồ Đào Nha với màu nước xanh biếc có đài phun nước ở mỗi góc. Sultan - tên gọi cho các vị vua thời đó - thường lên trên một tháp nhỏ để nhìn xuống hồ bơi ngắm các thiếu nữ đẹp chơi đùa, và nếu ai may mắn sẽ được vua chọn làm thiếp. Lâu đài nước nằm ngay cạnh cung điện hoàng gia, xung quanh là các xưởng làm tranh batik. Batik là một tạo hình nghệ thuật đặc biệt nổi tiếng của người Indonesia, dùng các họa tiết hình học như hình vuông, hình tròn, hình tam giác, đa giác và các họa tiết khác để tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu của cuộc sống. Nghệ thuật Batik có mặt trong đời sống hàng ngày của người dân nơi đây. Nó thể hiện trên y phục của người phụ nữ hay những bức tranh Batik.
Đường phố Malioboro
Tôi thuê một chuyến xe ngựa đi đến khu chợ trung tâm. Những chú ngựa cao to, đầu đeo nơ hay hoa rảo bước trên đường Malioboro - con đường chính của thành phố. Đây cũng là trung tâm mua sắm và buôn bán ở Yogyakarta. Hàng trăm cửa hàng, cửa hiệu cung cấp vô số sản phẩm truyền thống nổi tiếng của Indonesia như vải batik, quần áo, giày dép, mũ nón, túi xách, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm...

Buổi tối, Malioboro trở nên nhộn nhịp hơn bởi sự góp mặt của cả những xe hàng lưu động tràn ra đầy vỉa hè và trên mặt phố. Đây là thời điểm đẹp nhất trong ngày bởi tất cả các ánh đèn đủ màu sắc được thắp lên khiến con đường càng trở nên lung linh, huyền ảo. Ăn tối xong, tôi tôi lang thang dọc đường Malioboro, cùng vài khách du lịch khác ào đến bên một nhóm thanh niên đang đàn hát, gõ trống tưng bừng ở góc phố. Buổi tối ở Malioboro đã để lại trong tôi ấn tượng thật khó quên.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn