Là một trong số 11 đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ các tỉnh, thành trong cả nước tham gia biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống "Việt Nam - Những sắc màu Di sản" vừa diễn ra tại tỉnh Nghệ An trong tháng 11/2024, đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Lắk đã ghi dấu ấn với các tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
Trong số gần 40 tiết mục dự thi của các đơn vị, đoàn Đắk Lắk đoạt 1 giải A, 2 giải B với các tiết mục hòa tấu chiêng đồng (Ching Knah), chiêng tre (Ching Kram), nhạc cụ dân tộc và múa phụ họa.
Riêng đội chiêng trẻ còn được nhận Bằng chứng nhận của Hội nhạc sĩ Việt Nam về "dàn nhạc trẻ có nhiều triển vọng".
Ông Y Bây Kbuôr (ở buôn Kmrơng Prong B, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột), phụ trách đội nghệ nhân, cho biết, tất cả 14 thành viên trong đội, nhất là 9 thanh niên đánh chiêng đều là những người trẻ trưởng thành từ các lớp truyền dạy cồng chiêng được mở tại địa phương trong những năm qua.
Để khôi phục và bảo tồn văn hóa cồng chiêng, với vai trò là Trưởng buôn, từ năm 2014, ông Y Bây đã tập hợp các nam thanh niên và thiếu nhi trong buôn Kmrơng Prong B có năng khiếu để hướng dẫn đánh chiêng tre, dần hình thành các đội chiêng trẻ, tạo nguồn để tham gia các chương trình liên hoan văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật do các cấp tổ chức.
Đến năm 2019, với sự hỗ trợ của Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Buôn Ma Thuột (nay là Trung tâm Truyền thông-Văn hóa và Thể thao thành phố), các lớp truyền dạy đánh chiêng được tổ chức một cách bài bản hơn.
Từ năm 2023, cùng với việc truyền dạy đánh chiêng, mỗi năm đơn vị còn mở 2 lớp múa xoang cơ bản và nâng cao dành cho học viên nữ ở 6 buôn thuộc thành phố Buôn Ma Thuột, qua đó tiếp tục khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống của thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số. Những lớp học này được ví như “những chiếc sàng” đãi cát tìm vàng, ươm tạo những thế hệ kế cận tiếp nối mạch văn hóa truyền thống của người Ê Đê ở thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung”.
Bà Phạm Thị Hải Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Văn hóa và Thể thao TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)
Hiện ở buôn Kmrơng Prong B đã hình thành 3 đội chiêng thuộc 3 nhóm tuổi là thiếu nhi, thanh niên và người lớn tuổi. Từ các đội chiêng này đã tuyển chọn được nhiều cá nhân xuất sắc, đại diện cho thành phố, cho tỉnh tham gia các hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh.
Cũng theo ông Y Bây, qua những lần giao lưu, các bạn trẻ mạnh dạn và tự tin hơn. Các em cũng quan tâm hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, chủ động học nhiều bài chiêng, cách diễn tấu mới phù hợp.
Không chỉ thường xuyên tham gia biểu diễn trong các chương trình định kỳ ở các khu, điểm du lịch, đội chiêng còn nhận biểu diễn ở các chương trình văn hóa, giới thiệu âm nhạc dân tộc.
Trong 2 năm trở lại đây, một số thành viên trong đội chiêng có khả năng diễn tấu tốt còn được cùng với ông Y Bây đi truyền dạy các lớp đánh chiêng được tổ chức ở các buôn làng quanh thành phố Buôn Ma Thuột.
Với sự quan tâm của ngành Văn hóa và chính quyền các cấp, những năm gần đây, việc truyền dạy cồng chiêng đã nhận được sự vào cuộc, ủng hộ của nhiều người dân.
Ông Y Wih ÊBan, Bí thư Chi bộ buôn Kmrơng Prong B, cho biết, mỗi dịp hè, ban tự quản buôn lại đến từng nhà để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các thanh thiếu niên, vận động gia đình cho các cháu tham gia học đánh chiêng.
Sau khi đã đủ danh sách, buôn đề xuất để ngành Văn hóa tổ chức lớp, mời thầy dạy, hỗ trợ các bộ chiêng đồng, chiêng tre cho lớp học.
Nhờ vậy, từ năm 2019 đến nay, đều đặn mỗi mùa hè lại có 1 lớp chiêng dành cho thiếu nhi được mở. Với các em, mỗi buổi lên lớp là những giờ học thú vị để tìm hiểu về di sản văn hóa của ông cha, trực tiếp cảm nhận và diễn tấu loại nhạc cụ đặc sắc của dân tộc mình.
Những bài học ấy không chỉ giúp các em có thêm trải nghiệm bổ ích trong ngày hè mà còn góp phần nhắc nhớ về những giá trị truyền thống tốt đẹp để các em tiếp tục giữ gìn và phát huy.
Đặc biệt, những năm gần đây, không chỉ có trẻ em trai tham gia đánh chiêng mà còn có nhiều bé gái đăng ký học. Nghệ nhân ưu tú Y Hiu Niê Kđăm (ở buôn M'Duk, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột) tâm sự, hơn 20 năm gắn bó với việc truyền dạy đánh cồng chiêng, điều mà ông tâm huyết nhất là làm sao truyền đạt cho học viên một cách dễ hiểu, dễ nhớ.
Ông luôn cố gắng truyền dạy từ điều cơ bản nhất đến những giá trị cốt lõi, tinh túy cho học viên, với mong muốn các cháu có thể tiếp thu, dù chỉ là một phần, để rồi chính các cháu sẽ là những nhân tố tiếp tục "truyền lửa" để gia đình mình, cộng đồng thấy được tầm quan trọng, tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc, từ đó chủ động khôi phục những nghi thức, nghi lễ, những giá trị truyền thống đặc sắc mà cha ông để lại.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn