Sài Gòn mưa lâm thâm, tôi đang nhâm nhi ly cà phê đen đá và lướt facebook. Bỗng dưng, tôi dừng lại bởi những hình ảnh ở trên "tường" của anh. Đó là hình ảnh của một Hà Nội trầm tư sau cơn mưa rào, là hình ảnh cũng khu nhà tập thể cũ trên đường Giảng Võ… Phải, nhìn ảnh anh chụp thì tôi hiểu, dường như người chụp cũng đang rất tâm tư.
Ấy vậy nhưng đi kèm những hình ảnh ấy, anh lại viết những dòng tâm sự: "Ai dám chắc rằng bên trong những căn nhà cũ kỹ kia không có nụ cười và hạnh phúc? Nhựa sống có ở mọi nơi. Thủ đô hoa lệ, với tôi chỗ nào và lúc nào cũng đẹp. Rồi mọi chuyện cũng sẽ qua…".
Vâng, những bức hình ấy chụp là khi Hà Nội nơi anh ở đang trải qua những ngày giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Mới mấy tháng trước thôi, anh gọi điện hỏi thăm vợ chồng tôi: "Các em vẫn ổn chứ, ráng phòng chống dịch tốt nhé. Thấy Sài Gòn đang dịch dữ quá!". Và rồi thì lại đến Hà Nội của anh phải gồng mình chống dịch hệt như Sài Gòn vậy, ai ở đâu ở yên đấy.
Trong khi mọi người ở trong nhà để chống dịch thì anh của tôi vẫn hàng ngày chạy ra đường để đảm bảo dòng tin thời sự được chảy xuyên suốt. Anh là một nhà báo, một nhà báo rất có tâm mà tôi đã có diễm phúc được biết đến trong cuộc đời này.
Những ngày Hà Nội giãn cách, tôi, như một đứa em gái, lo nỗi lo khi có một người anh đang ngày đêm xông pha vào các ổ dịch, các khu vực phong tỏa để có những bài viết hay, những bức hình đắt giá phản ánh về những ngày tháng lịch sử cả xã hội đồng lòng chống dịch bệnh. Hễ tôi gọi điện lúc nào thì lúc ấy anh cũng nói: "Đang tác nghiệp, em ơi!". Anh kể, những ngày giãn cách, trung bình cứ hai ngày anh đổ một bình xăng, mỗi ngày một bộ bảo hộ, một khẩu trang N95... và nhiều thứ phải đội nón ra đi như không may vỡ ống kính máy ảnh, điện thoại bị rơi xuống nước… Nhưng anh thấy thoải mái khi sống một cuộc đời có ích vì mình được sống và làm việc hết mình trong những ngày lịch sử thế này.
Tác nghiệp ở đâu, thấy những mảnh đời khó khăn vì dịch bệnh, anh lại đăng facebook, kêu gọi đồng nghiệp và các mạnh thường quân giúp đỡ. Khi là những người lao động nghèo bị mắc kẹt tại Thủ đô, lúc lại là đội tình nguyện viên trở F0 đi cách ly nhưng thiếu thốn trang thiết bị, vật tư bảo hộ…
Nhiều lúc tôi thấy xót anh quá, bèn hỏi: "Anh à, cứ làm việc bao đồng thế này, có mệt không?". Đáp lại câu hỏi của tôi, anh chỉ cười trừ. Anh là thế, đi tác nghiệp ở đâu, thấy cảnh đời khó khăn, có khi rút tiền túi ra giúp đỡ mà số tiền ấy nhiều hơn cả nhuận bút anh nhận được từ chuyến công tác.
Chẳng phải nói ai đâu xa, tôi, chính tôi cũng đã nhận được sự giúp đỡ rất ân tình và quý báu của anh.
Tôi quen anh trong một chuyến công tác đi đến Trường Sa. Sau dịp ấy, đoàn đi công tác của chúng tôi thỉnh thoảng lại có cuộc hội ngộ Nam - Bắc với nhau. Năm ấy, tôi 27 tuổi, chuẩn bị làm lễ cưới với người yêu. Nhưng ngặt nỗi, quê tôi ở Nam Định còn quê người yêu thì ở Sóc Trăng, chúng tôi làm việc ở Sài Gòn. Cả hai gia đình lại chẳng khá giả gì. Chúng tôi chỉ định về quê tôi làm lễ báo hỉ với họ hàng cho tiết kiệm chi phí nhưng bố mẹ tôi nhất định không chịu. Mẹ tôi bảo, phải có lễ xin dâu, rước dâu. Gì thì gì, có mỗi mụn con gái, lại gả lấy chồng xa, nên nhất định phải có lễ rước dâu cho đàng hoàng.
Trong lúc tôi đang đau đầu vì lời yêu cầu của bố mẹ, tôi tâm sự bâng quơ với anh. Ngờ đâu, anh lại bảo: Đừng lo! Bọn em cứ mời các cụ nhà trai ra đây, còn mọi chi phí, lễ lạt, để anh và các anh chị em đoàn mình ở Hà Nội lo.
Thế rồi, anh báo tin cho cả đoàn Hà Nội biết về lễ cưới của chúng tôi, kêu gọi mỗi người góp 1 triệu để chuẩn bị cho lễ cưới. Rồi anh liên hệ với bạn bè và các mạnh thường quân mà anh quen biết, người tài trợ xe ô tô đi lại, người tài trợ váy áo… Năm ấy, chúng tôi đã có một lễ rước dâu long trọng như bao đám cưới khác khiến vợ chồng tôi vô cùng cảm động...
Tôi tin rằng, ngày hôm nay, những người được anh giúp đỡ như vợ chồng tôi năm xưa, cũng sẽ luôn nhắc nhở mình phải sống thật tốt, cho xứng đáng với sự giúp đỡ của một trái tim tử tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn