Trăm nỗi khổ đổ đầu người mẹ có con tự kỷ

06:30 | 06/04/2017;
“Các mẹ có con tự kỷ rất nhạy cảm vì họ quá khổ. Có nỗi khổ mà không nhiều người biết là họ bị gia đình, họ hàng, người quen “đổ mọi tội lỗi lên đầu” vì khiến đứa trẻ “không bình thường” như vậy", chị Nguyễn Thị Xoan (Hà Nội) chia sẻ.
Nhiều mẹ có con tự kỷ bị đổ mọi tội lỗi lên đầu. Ảnh minh họa

Có con tự kỷ đang học lớp 3, nhưng những năm gần đây chị Nguyễn Thị Xoan (Tây Mỗ, Hà Nội) mới thoát được “cái án” mà người thân gán cho: Chắc lúc có thai ăn uống không khoa học nên con mới thế; bố mẹ lười nói chuyện với con nên con bị tự kỷ; chắc suốt ngày cho con xem ti vi…

Chị Xoan đã vô cùng vất vả vì những sinh hoạt của con không giống trẻ khác. Vậy mà những người thân không thông cảm, chia sẻ lại còn chì chiết khiến nhiều lúc chị muốn “bỏ đi một nơi thật xa”.
“Những người mẹ luôn bị đổ lỗi nhiều nhất, họ đã khốn khổ, loay hoay tìm cách nuôi dạy con, vậy mà còn hứng chịu vô vàn những lời ác ý, chúng không khác gì những liều thuốc độc giết dần giết mòn chúng tôi. Nếu không có bản lĩnh, chúng tôi sẽ dễ dàng buông xuôi”, chị Xoan chia sẻ.

Với sự nỗ lực không ngừng của vợ chồng chị, sau hành trình dằng dặc gian nan, nước mắt, khổ đau, con trai chị đã tiến bộ rất nhiều. Thế nhưng, chị Xoan cho biết, cách đây vài năm, chị không dám ăn mặc đẹp, không dám đi du lịch… bởi có người xì xào: Có con tự kỷ còn bày vẽ… Trăm nỗi khổ đổ vào đầu những người mẹ sinh ra những đứa trẻ khác biệt.

Cũng quá khổ vì đứa con hơn 2 tuổi được bác sĩ kết luận là tự kỷ, chị Đoàn Thanh Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) còn “chết đứng” khi họ hàng, gia đình nhà chồng trách chị tham công danh, không chăm sóc con chu đáo mới khiến con như vậy.
"Vừa chới với vì bệnh của con, vừa sống trong tâm trạng hối hận dày vò nên tôi phát bệnh. Sau một thời gian lao vào nghiên cứu tài liệu về trẻ tự kỷ, tôi dần hiểu ra chứng bệnh của con không phải lỗi do mình nên mới bình tâm hơn để cùng con đối diện mọi chuyện”, chị Mai trải lòng.

Trẻ tự kỷ hoàn toàn không do lỗi của cha mẹ hay do việc nuôi dưỡng không tốt. Ảnh minh họa

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, nguyên Trưởng khoa Tâm lý, cố vấn tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, nhiều gia đình khi chẩn đoán trẻ bị tự kỷ thường có tâm lý đổ lỗi cho người mẹ thiếu quan tâm, chăm sóc. Bên cạnh đó, không ít bà mẹ cũng tự trách mình không chăm lo tốt nên mới khiến con bị bệnh. Trên thực tế, trẻ tự kỷ hoàn toàn không do lỗi của cha mẹ hay do việc nuôi dưỡng không tốt. Nguyên nhân gây tự kỷ rất phức tạp. Trong hầu hết trường hợp, tự kỷ có thể được gây ra bởi sự kết hợp của các yếu tố nguy cơ di truyền tương tác với các yếu tố nguy cơ của môi trường như mẹ nhiễm rubella, nhiễm hóa chất…

Theo bác sĩ Thanh, ngay cả nhà chuyên môn vẫn có người cho rằng trẻ tự kỷ là do cha mẹ không chăm sóc con. Cần phân biệt trẻ tự kỷ và trẻ trầm cảm vắng mẹ.
Trầm cảm vắng mẹ thường xảy ra khi trẻ xa mẹ quá 3 tháng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc trẻ trầm cảm. Có đứa trẻ sinh ra bất đắc dĩ, ngoài ý muốn, tư tưởng bố mẹ chưa sẵn sàng nên ngay từ trong bụng mẹ, trẻ đã mang tâm lý bị chối từ. Những giằng co trong suy nghĩ người mẹ “nên giữ hay nên bỏ con” trong lúc mang thai sẽ ít nhiều tác động đến tâm lý trẻ.

Bác sĩ Thanh nhấn mạnh, trầm cảm vắng mẹ có triệu chứng gần giống trẻ tự kỷ như thờ ơ, chán ăn, nôn ói, không thích giao tiếp,… nhưng chỉ cần 3-6 tháng mẹ chơi với con, tình hình sẽ cải thiện rất rõ. Nếu mẹ dành thời gian gần gũi trẻ, các triệu chứng sẽ dần biến mất.
Với trẻ tự kỷ thì các triệu chứng thường theo trẻ suốt cuộc đời và phải tiến hành các biện pháp can thiệp, trị liệu sớm mới có thể cải thiện phần nào.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn