Trạm Y tế xã Mù Sang: 7 nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho 3.600 người dân

17:10 | 12/07/2024;
"Cách đây gần 2 năm, người dân địa phương không đi khám thai và ít khi đi đẻ tại các cơ sở y tế" - chị Lò Thị Thanh, dân tộc Thái, nữ hộ sinh tại Trạm Y tế xã Mù Sang, chia sẻ.

Ngày càng có nhiều phụ nữ sinh con tại bệnh viện

Xã Mù Sang thuộc Phong Thổ, một huyện miền núi của tỉnh Lai Châu nằm phía tây bắc của Việt Nam. Tỉnh có 20 dân tộc sống trên địa bàn, chiếm 80% tổng dân số toàn tỉnh. Trong đó, phụ nữ từ 15 tuổi đến 49 tuổi chiếm hơn 1/4 tổng dân số.

Xã Mù Sang chỉ có 7 nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho 3.600 người dân và phần lớn là người Mông và người Dao. Một trong những vấn đề lớn của xã Mù Sang và toàn tỉnh Lai Châu nói chung là tình trạng tử vong mẹ.

Đổi tay tại trạm y tế xã Mù Sang- Ảnh 1.

Nữ hộ sinh Lò Thị Thanh, Trạm Y tế Mù Sang

Nữ hộ sinh tại Trạm Y tế xã Mù Sang chị Lò Thị Thanh cho biết, người dân nơi đây xưa nay có thói quen không đi khám thai và ít khi đẻ tại các cơ sở y tế, lí do là vì: đường đến cơ sở y tế gần nhất cũng rất xa, vì không có phương tiện đi lại và vì tập tục là chỉ có chồng mới được nhìn cơ thể của vợ mình.

Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, nơi đây được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản có chất lượng, bao gồm cả cấp cứu sản khoa và khuyến khích các hành vi liên quan đến chăm sóc sức khỏe tích cực nhằm chấm dứt tử vong mẹ tại 60 xã dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của 6 tỉnh khó khăn nhất bao gồm Lai Châu, Sơn La, Bắc Cạn (miền núi và trung du bắc bộ) và Kon Tum, Gia Lai và Đắc Nông (Tây Nguyên).

Những cô đỡ thôn bản ở đây đã được trang bị nhiều kĩ năng về chăm sóc trước và sau sinh, thực hiện đỡ đẻ các ca sinh thường và kịp thời chuyển tuyến những sản phụ nguy cơ có tai biến đến cơ sở y tế gần nhất. Quan trọng hơn, họ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và các quyền.

Nữ hộ sinh Lò Thị Thanh chia sẻ: "Bây giờ chúng tôi đã có thể thuyết phục người dân địa phương đến trạm y tế xã để khám thai và sinh con tại các cơ sở y tế. Chúng tôi còn được tập huấn về cách nhận biết những dấu hiệu tai biến khi mang thai và lúc sinh con. Trước đây, 99% phụ nữ các dân tộc đều sinh con tại nhà nhưng bây giờ tình hình đã giảm đi nhiều và ngày càng có nhiều phụ nữ sinh con tại bệnh viện".

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Lai Châu, về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình, nhất là chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh những năm qua đều đạt và vượt chỉ tiêu giao của ngành. Cụ thể, số phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất ba lần trong 3 thời kỳ thai nghén đạt hơn 70%; số phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ có kỹ năng đạt hơn 70%; tỷ lệ phụ nữ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tại nhà trong vòng 42 ngày sau đẻ đạt hơn 80%...

Vẫn còn đó tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải cho biết, công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ - trẻ em và kế hoạch hóa gia đình của tỉnh Lai Châu vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế cần sự quan tâm chung tay giải quyết của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đó là tình trạng tảo hôn, sinh đẻ ở tuổi vị thành niên; hôn nhân cận huyết thống vẫn đang là vấn đề nhức nhối nhất là ở vùng cao, vùng sâu tác động đến chất lượng dân số trên địa bàn.

Đổi tay tại trạm y tế xã Mù Sang- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (thứ 3 từ trái qua), Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Matt Jackson (thứ hai từ trái qua) và đoàn công tác thăm và tặng quà phụ nữ sau sinh trên địa bàn xã Mù Sang

Ngoài ra, tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ phụ nữ đẻ tại nhà vẫn cao; tỷ lệ phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh được tầm soát các bệnh còn thấp. So với toàn quốc, chỉ số tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em tuy đã giảm nhưng còn cao hơn so với trung bình của toàn quốc, đặc biệt là các huyện nghèo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho khoa sản, khoa nhi ở nhiều bệnh viện tuyến huyện còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị cấp cứu sản phụ và trẻ em, trẻ sơ sinh; kinh phí cấp cho hoạt động các chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu, một số chương trình không có kinh phí hoạt động, chủ yếu được thực hiện lồng ghép nên chất lượng, hiệu quả chưa cao.

Tại cuộc làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế và đại diện Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tại Việt Nam hồi tháng 4/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu, Tống Thanh Hải cho biết, UBND tỉnh Lai Châu mong muốn Bộ Y tế tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ ngành Y tế tỉnh Lai Châu được tiếp nhận các dự án đầu tư phát triển hệ thống y tế, các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị y tế của tỉnh để nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc khỏe nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ kinh phí tập huấn cập nhật về đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế, cô đỡ thôn bản, y tế thôn bản về kỹ năng đỡ đẻ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em. 

Đồng thời, đề nghị UNFPA và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ các nguồn lực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, chăm sóc sơ sinh và chăm sóc trẻ nhỏ, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn