'Trận chiến' chống ấu dâm và tấn công tình dục

20:00 | 19/04/2019;
Nguyễn Hữu Linh bị camera thang máy ghi lại khi ôm và hôn môi bé gái. Ông ta cũng thừa nhận việc này trong Biên bản ghi nhận sự việc của Ban quản lý chung cư Galaxy 9 (Q.4, TPHCM). Tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ quan điều tra vẫn chưa khởi tố vụ án. Vụ việc này được các luật sư đánh giá là “quá chậm trễ”. Trong khi đó, người dân ở chung cư Galaxy 9 và nhiều nơi khác đã phải tự đưa ra những đề xuất và có nhiều hành động phản đối nạn ấu dâm, xâm hại tình dục trẻ em...

Trong khi dư luận đang nóng chờ các cơ quan công quyền khởi tố vụ việc Nguyễn Hữu Linh - nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng - có hành vi sàm sỡ, ôm hôn bé gái trong thang máy tại chung cư Galaxy 9, Q.4, (TPHCM) thì người dân đã tự đưa ra nhiều hành động phản đối nạn ấu dâm và xâm hại tình dục trẻ em.

 

Hình ảnh Nguyễn Hữu Linh có hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9, quận 4, TPHCM

 

Sau bài phỏng vấn Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ trẻ em TPHCM, đăng tải trên phunuvietnam.vn vào ngày 17/4 phân tích về các hành vi ấu dâm theo luật định trước đây và hiện hành, nhiều cư dân sống tại chung cư Galaxy 9 đã trao đổi với PV về sự bức xúc của họ khi được chứng kiến vụ việc này.

 

Theo chị Thương Lê, các cư dân sống trong chung cư đã phải đấu tranh ngay từ những ngày đầu tiên với Ban quản lý chung cư về việc Ban này dù được tiếp xúc thông tin ngay từ đầu, nhưng lại muốn ém nhẹm đi không công bố. Cho tới khi clip được quay lại từ camera tung lên mạng xã hội và lan rộng, biết chẳng thể giấu được nữa, lúc ấy Ban quản lý của chung cư này mới lập biên bản vụ việc. Các cư dân tích cực hiện đã lập group để đưa ra nhiều đề xuất. Họ đã ký tập thể trong Đơn đề nghị khởi tố Nguyễn Hữu Linh gửi đến UBND TPHCM, Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và nhiều cơ quan có liên quan. Họ cho biết sẽ đấu tranh không khoan nhượng để hạn chế tối đa các vụ việc tương tự có thể xảy ra tại chung cư này và nhiều chung cư khác trên cả nước.

 

Mới đây nhất, 17 tổ chức, nhóm, mạng lưới đã cùng tham gia ký tên trong “Không là Không - Chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về tấn công tình dục”. Người đại diện gửi đơn là bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Chủ tịch Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam. Nhiều cá nhân tham gia dự án này đã đưa đường link để người đọc tham gia kiến nghị và ký tên với mong mỏi: “Xin quý vị hãy hành động ngay vì mỗi ngày đi qua lại có 4 cháu nhỏ ở đâu đó trên đất nước này bị xâm hại. Sự chậm trễ của chúng ta sẽ khiến thêm nhiều thân thể bé nhỏ và những tâm hồn non nớt bị đau đớn, tổn thương”.

 

Trong kiến nghị hiện bắt đầu lan tỏa trên mạng xã hội được gửi tới nhiều lãnh đạo cấp cao và cơ quan liên quan, đã thể hiện quan điểm: “Trước các vụ việc bạo lực tình dục, đặc biệt là các vụ xâm hại tình dục trẻ em dồn dập trong thời gian gần đây và sự lúng túng trong phản ứng cũng như cách xử lý của các cơ quan thực thi pháp luật đối với các vụ việc này, chúng tôi nhận thấy, còn nhiều khoảng trống trong pháp luật Việt Nam về bạo lực tình dục. Nhiều quy định pháp luật hiện hành về các tội danh liên quan đến tình dục chưa đầy đủ và chưa cụ thể; các chế tài xử phạt tội phạm chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; các cơ chế bảo vệ nạn nhân còn thiếu và yếu. Tình trạng nói trên không chỉ khiến cho kẻ xấu lợi dụng các kẽ hở để gây tội ác, lực lượng thực thi pháp luật thiếu công cụ để xử lý các vụ tội phạm mà còn khiến người dân hoang mang, lo lắng, suy giảm niềm tin vào tính nghiêm minh của luật pháp và đẩy bức xúc xã hội đến cao trào...”.

 

Các lối ra vào của chung cư Galaxy 9 được kiểm tra nghiêm ngặt hơn sau vụ bé gái bị sàm sỡ trong thang máy

 

Trong bản kiến nghị nhiều nội dung mong mỏi các cơ quan có trách nhiệm đẩy nhanh việc hoàn thiện các Điều khoản chế tài trong luật định về các tội danh Dâm ô đối với trẻ em và một số tội danh tình dục nghiêm trọng. đồng thời đưa ra các luận điểm để xây dựng 1 xã hội kỷ cương, văn minh: “Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc, đã phê chuẩn và ký nhiều công ước, điều luật quốc tế về quyền con người, cụ thể là Công ước CEDAW về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, Công ước về Quyền Trẻ em, Công ước về Người Khuyết tật...

 

Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia có khung pháp lý và chính sách khá toàn diện nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp của chúng ta chưa đủ mạnh để ngăn ngừa và trừng phạt tội phạm tình dục, bảo vệ sự an toàn về thân thể và danh dự của công dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi cho rằng sự thiếu hụt như vậy là không đáng có và ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội và nhân dân ta trong việc bảo vệ quyền con người, cải thiện chất lượng cuộc sống và thúc đẩy tiến bộ xã hội”.

 

Cùng lên tiếng để đấu tranh với nạn ấu dâm, 1 trong những group Facebook về xe có lượng người tham gia lớn nhất Việt Nam - OF.FB - đang triển khai việc dán decal lên xe để lên án vụ việc Nguyễn Hữu Linh. Admin của group Facebook này cho biết, mọi chi phí về việc in decal sẽ do OF.FB tài trợ. Group Facebook này cũng kêu gọi mọi người phản đối nạn ấu dâm với các từ ngữ sử dụng văn minh.

 

Trong diễn biến liên quan, đến thời điểm bài báo này được thực hiện, lệnh khởi tố vụ án Nguyễn Hữu Linh vẫn chưa được cơ quan điều tra công bố. Cũng là vụ việc ấu dâm, ngày 13/4/2019, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã tạm giữ người đàn ông dụ 2 bé gái vào ngõ vắng, sau đó ép bé gái 11 tuổi vào tường và sờ vào vùng kín của bé từ phía ngoài quần. Khi bé gái la lên, người này mới bỏ đi. Vụ việc được camera của nhà dân gần đó ghi lại và người đàn ông kia cũng đã thừa nhận.

 

Nguyễn Hữu Linh bị camera thang máy ghi lại khi ôm và hôn môi bé gái. Ông ta cũng thừa nhận việc này trong Biên bản ghi nhận sự việc của Ban quản lý chung cư Galaxy 9. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ quan điều tra vẫn chưa khởi tố vụ án. Vụ việc này được các luật sư đánh giá là “quá chậm trễ”.

 

Khi pháp luật còn lúng túng xử lý tội ấu dâm trong việc đánh giá hành vi dâm ô, thì việc người dân và các tổ chức, nhóm tự phát thực hiện phản đối nạn ấu dâm và xâm hại tình dục trẻ em và phụ nữ, cũng là điều rất dễ hiểu. “Trận chiến” chống ấu dâm và xâm hại tình dục, chắc hẳn vẫn được tiếp tục trong thời gian không ngắn, để những nhà làm luật đưa ra các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn, tránh gây tranh cãi cho những người thực thi pháp luật và các luật sư tham gia bào chữa. 

* Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ trẻ em TPHCM:

Hành vi ôm và hôn môi cháu bé trong thang máy của ông Nguyễn Hữu Linh cần phải được nhìn nhận là hành vi dâm ô đối với trẻ em, theo Điều 146 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 là phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, nên người phạm tội cần phải bị xử lý hình sự! Hơn nữa, BLHS năm 1999 không sửa đổi dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm này so với BLHS năm 1985 nên có thể vận dụng trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

 

* Chị Thương Lê, cư dân chung cư Galaxy 9, Q.4, TPHCM:

Tôi tham gia phản đối nạn ấu dâm vì mong muốn các trẻ em không còn rơi vào hoàn cảnh tương tự như các sự việc đã xảy ra gần đây, và cũng vì những người làm mẹ như tôi không đủ tự tin bản thân có thể bảo vệ được con cái mình an toàn trước tệ nạn này. Nạn ấu dâm và tấn công tình dục phát triển rầm rộ như hiện nay bởi các chế tài và luật pháp chưa đủ mạnh để răn đe các kẻ bệnh hoạn và có lối sống không lành mạnh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn