Trần Chiến ra mắt tiểu thuyết về cuộc sống phố cổ Hà Nội những năm 1960

18:10 | 06/04/2018;
Lấy bối cảnh là không gian khu phố cổ Hà Nội những năm 60 của thế kỉ XX, cuốn tiểu thuyết “Chín bỏ làm mười” của nhà văn Trần Chiến đã nhận diện những vấn đề còn khuất lấp của Hà Nội xưa với một tình yêu cháy lòng.

Nhân dịp ra mắt tiểu thuyết Chín bỏ làm mười của nhà văn Trần Chiến, tối 5/4/2018, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) đã diễn ra buổi tọa đàm văn chương xoay quanh tác phẩm của ông. Tham gia trò chuyện trong chương trình ngoài Trần Chiến còn có nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Trần Ngọc Tiến.

5.jpg
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và nhà văn Trần Chiến, nhà văn Trần Ngọc Tiến trong buổi tọa đàm 

Nhà văn Trần Chiến chia sẻ, ông viết tiểu thuyết Chín bỏ làm mười bắt đầu từ “đơn đặt hàng” của NXB Phụ nữ. Biên tập viên của NXB đã ra “đề bài” cho nhà văn viết về bất cứ điều gì liên quan đến ký ức mà ông cảm thấy hứng thú. Cuối cùng, ông đã chọn Hà Nội thời bao cấp – một mảng ký ức gắn bó máu thịt với mình.

Tiểu thuyết Chín bỏ làm mười lấy bối cảnh là không gian khu phố cổ Hà Nội những năm 60 của thế kỉ XX. Khác với lối viết chương hồi thông thường, câu chuyện được kể lại bằng việc thay đổi linh hoạt giọng kể. Lần lượt, 7 ngôi kể là: cậu bé Nam Mọt sách, bác Lẫm Biết tuốt, chị Tâm mun, ông Biếc Dân phòng, chị Hiếu "cơm", Lâm đồng cô và thủ từ Khiêm.

Bằng suy nghĩ và cảm nhận của riêng mình, họ đã thuật lại mọi sự việc trong khu phố Hàng Nồi một cách đầy sinh động và chân thật. Chừng ấy nhân vật, là những đại diện tiêu biểu của con phố nhỏ mà ẩn chứa trong đó vô vàn rắc rối, mâu thuẫn của xã hội những năm sau khi hòa bình lập lại.

1.jpg
Tiểu thuyết "Chín bỏ làm mười" 

Chín bỏ làm mười là tâm thức cư xử của người Việt, đã được tác giả lựa chọn làm chủ đề chính của tiểu thuyết. Có những việc, nếu cứ hành xử theo cách này thì mọi chuyện sẽ đi vào bế tắc và con người càng thêm hằn học, tức tối và căm ghét nhau hơn. Vì chín bỏ làm mười mà trong gia đình tam đại đồng đường, cha mẹ, con cái mất đoàn kết, suốt ngày bì tị nhau; bà con lối phố chành chọe, dòm ngó nhau; dịch vụ thương nghiệp coi thường khách hàng mà khách cũng e dè ngại phản ảnh...

Trong một không gian sống ngột ngạt, chật chội với mùi chuồng trồ (nhà vệ sinh) nồng nặc, những kiếp sống của con người cũng chẳng thể nào khá hơn. Tất cả đều trở thành nạn nhân, và đỉnh điểm nhất là cái chết của anh Lâm đồng cô. Không là trai, cũng chẳng phải gái, anh bị cả xã hội lên án, tẩy chay. Từ một thầy giáo anh trở thành con phe, và đến khi không chịu nổi sức ép dư luận, anh đã tìm đến cái chết để giải thoát.

Những đứa trẻ như Nam mọt sách, Tâm mun trong sáng, ngây thơ mà cũng bị lôi vào những trò phản trắc của người lớn, bị đưa vào trong cuộc đấu tố Lâm chỉ vì chúng hay đến nhà Lâm chơi. Mẹ Nam Mọt sách là một người phụ nữ chỉn chu, biết nâng niu cái đẹp và tận hưởng cuộc sống, song vì sự dò xét, hiềm tị của láng giềng mà phải giấu mình, lúc nào cũng phải tâm niệm một sự nhịn là chín sự lành.

Trần Chiến là tác giả gắn liền với Hà Nội qua các tác phẩm như Con bụi, Đường đua, Bốn chín chưa qua, Đèn vàng, Cậu ấm… Tiếp tục lấy Hà Nội là nguồn cảm hứng sáng tạo, với Chín bỏ làm mười, nhà văn đã thể hiện một khả năng quan sát chi tiết, óc tư duy linh hoạt và ngòi bút sắc sảo để nhận diện tất cả các vấn đề còn khuất lấp trong một khu phố cổ ngày xưa - mà đằng sau đó là một Hà Nội đang từng ngày phát triển, đan xen vào đó là những bất cập cần phải nhìn nhận trực diện để thay đổi. Tất cả xuất phát từ một tình yêu Hà Nội đến cháy lòng của ông.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn