Thông qua những chia sẻ, những cảm nhận và tình yêu đặc biệt dành cho thể thơ lục bát của mình, nhà thơ Trần Lê Khánh đã thắp lên ngọn lửa yêu thể thơ truyền thống của các bạn trẻ.
Sự có mặt của nhà thơ - nhà biên kịch Ngô Thị Hạnh cũng khiến các bạn sinh viên thích thú. Ngô Thị Hạnh đã có nhiều chia sẻ hữu ích giúp cho các bạn sinh viên yêu thích sáng tác và công việc biên tập, xuất bản sách… hiểu hơn về quy trình để một bản thảo trở thành một cuốn sách hoàn thiện, cũng như những tố chất cần có để trở thành một người làm việc trong vai trò biên tập viên, chuyên viên khai thác bản thảo cho các nhà sách, nhà xuất bản.
Nhà thơ Trần Lê Khánh sinh năm 1971, đang là một trong những chuyên gia tài chính có nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam. Anh cầm bút vài năm trước đây với những bài thơ đăng trên các tờ báo văn nghệ. Anh vừa ra mắt “Lục bát múa” sang trọng và đặc biệt.
Tập thơ mang đến cho bạn đọc nhiều cách thưởng thơ: Có thể đọc ngẫu nhiên một trang nào đó bất kỳ; hoặc cũng có thể đọc từ đầu đến cuối, thành một câu chuyện dài. Những câu thơ của Trần Lê Khánh ra đời, tự nhiên như hơi thở nhưng cũng đầy tính chiêm nghiệm, tính triết lý và tính thiền trong đó: Hạt sương lắng đọng thánh thai/tái sinh vài giọt nắng phai hợt hời...
Nói về tập thơ đầu tay của Trần Lê Khánh nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận xét: “Trần Lê Khánh mê lục bát và muốn nó nhảy múa. Trông như một điệu luân vũ là lục bát của Khánh. Ở đấy, ngôn từ muốn làm ngọn gió, bay theo một vòng tròn, ra đi rồi lại trở về trên tụ điểm quen thuộc, thân thiết. Cứ thế, ngọn gió ấy tự nhân mình lên, tự là nhân duyên cho mình”.