‘Trần sao âm vậy’ nên đốt nhà lầu, xe hơi là ý nghĩ lạc hậu

06:47 | 13/08/2019;
Đầu tiên chỉ đốt vàng tiền nho nhỏ, bộ quần áo, bây giờ phát triển hơn, đốt thêm các phương tiện như ô tô, xe máy. Rồi theo đà nhà lầu thì đốt thêm cả sổ đỏ, rồi tiếp đến trong sổ đỏ phải có chứng thực của ông Chủ tịch phường,... hoàn toàn là phi lý không có giá trị gì về mặt văn hoá mà chỉ là hình thức đua đòi...

Còn mấy ngày nữa là rằm tháng 7, nhưng nhiều gia đình đã rục rịch cúng rằm. Vỉa hè, lòng đường được người dân tận dụng làm nơi đốt vàng mã cúng "cô hồn". Nhiều con phố mịt mờ khói đốt vàng mã gây không ít phiền toái cho người đi đường. Dù là tập tục nhưng lại gây nguy hiểm và ô nhiễm môi trường.

 
2.jpgĐốt nhiều vàng mã trong dịp Rằm tháng bảy (Lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân) đã trở thành tập tục truyền đời
 
Mịt mù tàn khói vàng mã
 
Một hai năm trở lại đây, việc đốt vàng mã đã giảm đi nhiều, không tràn lan như những năm trước nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ rất cao. Qua quan sát của phóng viên có thể thấy nhiều gia đình vẫn hóa vàng tại những nơi nguy hiểm như cạnh bãi trông xe, gần xe máy, ô tô, bốt điện, thậm chí có người còn đốt vàng mã ngay dưới lòng đường gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông. Kèm với đó là gạo, bỏng, muối được rắc ra đường sau khi cúng gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
 
3.jpg
Nhiều người đốt vàng mã trên vỉa hè

 

Mặc dù người dân đã dùng những lò bằng tôn để đốt vàng mã nhưng cũng không thể giữ được những cuộn khói bốc lên nghi ngút và những tàn vàng mã được những cơn gió thổi bay đi khắp nơi. Dưới thời tiết nóng và oi bức từ sáng đến gần xế chiều, cộng thêm với khói vàng mã, những con phố đông đúc lại càng trở nên ngột ngạt hơn bao giờ hết.
 
Một người dân cho biết, năm nay gia đình chị cúng rằm đơn giản, không đốt những đồ vật tượng trưng như ngựa, quần áo, tivi, tủ lạnh… mà chỉ đốt tiền vàng. Tuy thế, nếu ở trong các khu đô thị có đặt lư đồng lớn để các hộ dân đốt vàng mã, thì ở trong phố vẫn phải đốt trong chậu nhôm hoặc trong các lò tôn. “Dân cư cũng không thể đi quá xa để hóa vàng, vì như vậy sợ người âm không nhận được”, chị này cho biết.
 
i.jpg
Lòng đường cũng được trưng dụng
 
 
Đa phần những người đi đường thường sẽ tránh những chỗ đang đốt vàng mã, nhưng nhiều người cũng tỏ ra khó chịu. Anh Trần Văn Quốc, một khách du lịch đến từ tỉnh Cà Mau cho rằng việc để khói và tàn vàng mã bay khắp nơi thế này là không nên. Mỗi gia đình nên hạn chế đốt vàng mã, hoặc chính quyền phải bố trí chỗ đặt lư đồng để người dân tập trung đốt. Có thể đặt ở những nơi công cộng chẳng hạn. “Tập tục thì không thể cấm, đã không cấm được thì phải có phương án giải quyết mới hạn chế được những nguy cơ tiềm ẩm”, anh Quốc nêu ý kiến.
 
img_1565612154680_15656121715661.jpg
 
 
Nhiều người cho rằng, việc cúng Rằm tháng bảy phải diễn ra trước 15 âm lịch do người xưa quan niệm ngày 15 tháng bảy âm lịch là ngày giới hạn của kỳ “mở cửa”, sau ngày này người cõi âm sẽ không thể nhận đồ được nữa.
 
 
"Báo hiếu" có thể gây nguy hiểm cho người khác
 
PGS.TS Đinh Hồng Hải (Giảng viên bộ môn Nhân học Văn hóa, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) cho biết, đốt vàng mã bắt nguồn từ một nét văn hoá rất xa xưa của Trung Hoa và Việt Nam. Các nhà khoa học đã phát hiện nhiều bằng chứng từ thời kỳ đồ đá về tục hiến sinh. Lúc đầu là hình thức hiến sinh người, sau đó chuyển qua giai đoạn hiến sinh động vật sống, hiện nay hiến sinh động vật (đã nấu chín) nhưng một số nơi vẫn còn di vết phong tục hiến sinh máu động vật sống. Ngoài các tập tục như trên còn có hình thức hiến sinh khác là “hình nhân thế mạng”. Hiện nay, một số tộc người ở Việt Nam như người Sán Chay vẫn sử dụng hình thức đó nhất là trong các lễ mừng thọ.
 
51.jpg
Khói mù mịt một khoảng không gian

 

Hình nhân thế mạng là hình thức làm một vật để thế thân cho mình, dâng cúng và đốt đi. Việc đốt vàng mã đã được đề cập trong sách của Phan Kế Bính hay Toan Ánh cũng có nói đến ngoài đốt hình nhân thế mạng còn có vàng mã là các vật tuỳ táng. Vật tuỳ táng ở trong văn hóa Trung Hoa hay văn hóa Việt Nam đều có từ quần áo cho đến đồ dùng,...
 
61.jpg
Dù nghi lễ đốt vàng mã không được khuyến khích nhưng nhiều gia đình vẫn đốt vàng mã vì đây là tập tục lâu đời
 
 
Những biến đổi từ hiến sinh đến đốt vật tuỳ táng luôn đổi thay theo thời gian nhưng vẫn đọng lại trong văn hoá của chúng ta hiện nay ở tục đốt vàng mã. Ý nghĩa sâu xa từ xa xưa là như vậy, nhưng đốt quá nhiều như bây giờ để báo hiếu thì không đúng ý nghĩa biểu tượng của các thành tố văn hóa này. PGS Trần Lâm Biền hay thầy Thích Nhật Từ đều cho rằng, trong Phật giáo cũng không đốt vàng mã, đây là tín ngưỡng dân gian hay Đạo giáo của Trung Hoa chứ không phải của Phật giáo. "Việc đốt vàng mã ngoài việc gây nguy hiểm cũng không đúng với truyền thống văn hoá của chúng ta”, PGS.TS Đinh Hồng Hải khẳng định.
 
img_1565612153018_1565612170756.jpg
Bất cứ đâu cũng trở thành nơi đốt vàng mã

 

Cũng theo PGS.TS Hải, đốt vàng mã chỉ mang tính chất tượng trưng. Người xưa có câu "thoi vàng bó rắc tro tiền giấy bay" trong truyện Kiều của Nguyễn Du có nghĩa là đốt vàng thoi làm từ giấy dó, loại giấy ít gây ô nhiễm. Còn bây giờ, đồ vàng mã được làm bằng giấy và nhựa rất ô nhiễm môi trường. Có nhiều gia đình đốt những vật dụng được làm đồ sộ như máy bay, nhà lầu, ô tô, du thuyền... khi đốt thành đám cháy to, gió tạt cháy đen cả cây, gây phản cảm và không đúng với truyền thống văn hoá. Có người cho rằng "trần sao âm vậy" nên đốt nhà lầu xe hơi. Thực ra là một ý nghĩ quá lạc hậu, theo quan niệm trên trần dùng gì thì người dưới âm dùng cái đó nên đầu tiên chỉ đốt vàng tiền nho nhỏ, bộ quần áo, bây giờ phát triển hơn, đốt thêm các phương tiện như ô tô, xe máy, nhà lầu. Không chỉ vậy, cứ theo đà nhà lầu thì đốt thêm cả sổ đỏ, rồi tiếp đến trong sổ đỏ phải có chứng thực của ông Chủ tịch phường,... hoàn toàn là phi lý không có một giá trị gì về mặt văn hoá mà chỉ là hình thức đua đòi.
 
pgs-hai.JPG
PGS.TS Đinh Hồng Hải (Giảng viên bộ môn Nhân học Văn hóa, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) - Ảnh: Ngô Vương Anh

 

Mặc dù luật pháp không cấm đốt vàng mã nhưng trong quy định thì nếu đốt những thứ gây ô nhiễm môi trường như đồ nhựa, nilon, giấy, xốp, đồ sơn sẽ bị xử phạt. Việc đốt không đúng nơi quy định, giữa khu dân cư có nhiều người sinh sống sẽ gây cháy khi đốt với số lượng lớn, bùng lửa lớn không thể kiểm soát.
 
 

PGS.TS. Đinh Hồng Hải: “Cách tốt nhất trong mùa Vu lan, để báo hiếu, người dân nên học giáo lý nhà Phật với phương châm chủ đạo là trí tuệ và hướng thiện. Hãy nghĩ đến việc báo hiếu bằng cách làm tốt vai trò của mình với ông bà, cha mẹ, làm nhiều điều thiện, chiêm nghiệm suy nghĩ về cuộc đời của mình, về những việc làm đúng sai của mình, như vậy sẽ tốt hơn nhiều đi cầu cúng khắp nơi và đốt vàng mã vô tội vạ. Làm như vậy sẽ không mang lại lợi ích gì mà còn gây nguy hiểm cho chính mình và cho người khác”.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn