Niềm trăn trở của "người mẹ"
Là những bác sĩ gắn bó với Trung tâm Thalassemia (điều trị bệnh Tan máu bẩm sinh), Viện Huyết học - Truyền máu TW đã nhiều năm nhưng bác sĩ Đặng Thị Vân Hồng và bác sĩ Hoàng Thị Thùy Linh vẫn cảm thấy khó khăn khi đối diện với hoàn cảnh của người bệnh. Không phải là khó khăn về y tế, về chuyên môn, nghiệp vụ, thời gian, mà là khó khăn trong cảm xúc bởi có quá nhiều hoàn cảnh khiến các chị phải trăn trở.
Tại Trung tâm Thalassemia, có khoảng 50% là bệnh nhi, phần lớn là dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa về Hà Nội điều trị. Các em phải mang bệnh cả đời, thời gian điều trị kéo dài, quãng đường đến với bệnh viện thì xa xôi, vượt qua không biết bao nhiêu chặng đường gập ghềnh, tàu xe.
"Vì không có điều kiện đi viện thường xuyên nên nhiều người bệnh nghèo đến với chúng tôi khi đã quá nặng. Nhìn những hoàn cảnh đến với mình mà không thể cứu chữa được nữa thật sự khó khăn với chúng tôi. Được nhìn thấy sự tươi tắn hồng hào của người bệnh sau khi điều trị, được thấy các em bé sinh ra khỏe mạnh nhờ sàng lọc trước sinh, được thấy người bệnh tốt hơn, khỏe hơn sau mỗi đợt điều trị là động lực to lớn giúp chúng tôi gắn bó với công việc", bác sĩ Thùy Linh chia sẻ.
Thế nhưng bên cạnh những niềm vui ấy là những nỗi buồn khi các bác sĩ chứng kiến những đứa trẻ phải nghỉ học để đi viện. Có những em bé còn rất nhỏ, vừa mắc bệnh tan máu vừa bị cúm, sốt, viêm phổi. Nỗi lòng ấy được bác sĩ Thùy Linh tả bằng những lời giản dị mà thấm thía: "Sự mệt mỏi hay tiếng ho của các bé giống hệt tiếng ho của con mình ở nhà, tôi cảm thấy rất thương các bé".
Rồi nhìn cha mẹ có con bị bệnh phải nghỉ làm đưa con đi viện, chị nghĩ, nếu con mình bị bệnh, mình có nghỉ làm đưa con đi viện liên tục như bố mẹ các bé ở đây không? Mình phải đối diện với điều đó như thế nào? Chị thấy vô cùng đồng cảm và trân trọng với sự hy sinh của bố mẹ các bệnh nhi ở nơi này.
Cũng có gia đình vì áp lực kiếm tiền mà phải nhờ ông bà tuổi già sức yếu chăm cháu ở viện. Nỗi trăn trở của bác sĩ lại tiếp diễn khi nghĩ người già đến tuổi được nghỉ ngơi thì lại vất vả chạy ngược xuôi lo chăm cháu ở viện. Có gia đình 2-3 người mắc bệnh nhưng phác đồ điều trị khác nhau, cha mẹ phải chia nhau ra đưa các con đi viện. Rồi những bệnh nhân bị bệnh từ nhỏ, mặc cảm bệnh tật không lập gia đình, khi già yếu đi viện chỉ có một mình. Tất cả những hoàn cảnh ấy luôn khiến các y bác sĩ xót xa và thương cảm.
Bởi thế, bác sĩ Vân Hồng, bác sĩ Thuỳ Linh cũng như các bác sĩ ở đây luôn tâm niệm phải đồng cảm với người bệnh, đặt mình vào vị trí của người bệnh để thấu hiểu, có cái nhìn khách quan tới tâm tư của họ. Từ đó khích lệ động viên cũng nhu tạo điều kiện để người bệnh có thể cân bằng được giữa điều trị với công việc, để người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể.
Người bệnh chỉ trông chờ vào bác sĩ
Đối với ThS.BS Đặng Thị Vân Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Thalassemia (Viện Huyết học - Truyền máu TW), cảm giác được người bệnh mong ngóng, trông chờ khiến chị càng phải nỗ lực hơn với công việc.
Thời điểm năm 2014, theo kế hoạch đào tạo của bệnh viện, bác sĩ Vân Hồng sẽ được luân chuyển sang khoa khác. Chị nhớ mãi khi ấy, nhiều người bệnh và người nhà hết sức lưu luyến không muốn chị rời khoa. Một số người bệnh mà bác sĩ Hồng đang điều trị tiếc nuối vì sẽ không được gặp chị để trò chuyện, trao đổi về quá trình điều trị và chăm sóc sức khỏe của họ. Thời gian đó, chị đã động viên người bệnh rất nhiều và còn "hẹn" ngày trở lại với những người bệnh mà chị đã gắn bó.
"Khi tôi quay trở lại làm việc tại Trung tâm thì mọi người rất vui. Đó cũng là một trong những động lực khiến tôi cảm thấy mình là người bạn chân thành của người bệnh và luôn được họ chào đón. Tôi cũng mong muốn rằng mình sẽ làm những điều tốt nhất cho họ cũng như cho chính những người thân của mình", bác sĩ Vân Hồng chia sẻ.
Đến nay, bác sĩ Hồng đã làm việc tại viện được 14 năm, trong đó có 10 năm gắn bó với Trung tâm Thalassemia. Vì cuộc sống của người bệnh gắn liền với bệnh viện nên chị luôn luôn tâm niệm người bệnh như những người bạn cũng như là những người thân của mình.
"Đối với những trẻ khỏe mạnh thì việc chăm sóc cũng đã vất vả. Trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh còn phải đưa đi viện điều trị hàng tháng, hàng năm và suốt cuộc đời thì người mẹ và gia đình các trẻ sẽ buồn, lo lắng, vất vả gian nan hơn rất nhiều. Chứng kiến cảnh đó đã thôi thúc tôi phải đặt ra mục tiêu là làm sao để điều trị hiệu quả nhất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh, giúp người bệnh hòa nhập với cộng đồng tốt nhất.
Bên cạnh đó, tôi mong muốn bệnh Thalassemia có thể được chữa khỏi, và tương lai không còn trẻ sinh ra mắc Thalassemia. Chính vì vậy, chúng tôi cùng với các cán bộ dân số và các cơ quan chức năng đã nỗ lực, đẩy mạnh tư vấn di truyền và phòng bệnh cho cộng đồng", bác sĩ Vân Hồng trải lòng.
Làm việc ở môi trường đông bệnh nhân, các bác sĩ thường phải tăng ca, thực hiện những giờ trực kéo dài, có khi quên cả ăn uống, nghỉ ngơi. Thậm chí hôm trước trực đêm mà hôm sau các bác sĩ vẫn tiếp tục làm việc thay vì nghỉ bù. Những lúc như vậy, nguồn động viên lớn nhất chính là người bệnh.
Đôi khi chỉ là một câu cảm thán "các bác sĩ vất vả quá" của người bệnh cũng khiến các bác sĩ vui vì cảm thấy những công sức, cố gắng của mình được ghi nhận. Và để rồi, họ lại tiếp tục tìm niềm vui bên cạnh những nỗi niềm để cống hiến, yêu nghề.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn