Trăn trở với việc gìn giữ trò diễn Xuân Phả

11:08 | 14/03/2020;
Người dân làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) quanh năm ruộng đồng, lam lũ nhưng mỗi khi được diễn trò Xuân Phả, họ lại trở thành những "nghệ sĩ", hóa thân thành những hình tượng nghệ thuật, tái hiện lại thuở oai linh, hiển hách từ nghìn năm trước.
Trăn trở với việc gìn giữ trò diễn Xuân Phả - Ảnh 1.

Trò diễn Xuân Phả có 3 điệu múa mà người múa phải dùng mặt nạ

Mỗi đêm trăng xuống, dưới sân đình làng Xuân Phả lại nô nức dân làng tới xem diễn trò Xuân Phả, nhảy múa say sưa theo nhịp trống của người diễn trò đầy ắp sự khát khao, tin yêu cuộc sống.

Trò Xuân Phả được đặt theo tên làng. Dân làng Xuân Phả tin rằng, trò diễn được lưu giữ qua nhiều đời, gắn với tích Thành hoàng làng giúp Vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Nhằm báo ơn Thành hoàng làng Xuân Phả, nhà vua đã tổ chức lễ hội ăn mừng tại miếu thờ và phong cho Thành hoàng làng Xuân Phả là Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân.

Từ lễ hội ăn mừng năm đó, nhiều nước lân cận đem lễ vật đến chúc mừng với nhiều điệu múa đặc trưng của dân tộc như nước Ai Lao, Chiêm Thành, Ngô Quốc, Hoa Lang... Sau đó, để ghi nhận công ơn, vua đã ban cho dân làng 5 điệu múa với tên gọi ban đầu là "Ngũ quốc lân bang đồ tiến công".

Đặc trưng của trò Xuân Phả là nghệ nhân múa có những động tác phóng khoáng, tay chân mở rộng, khỏe khoắn, thể hiện triết lý "trong nhu có cương, trong cương có nhu". Đội hình múa làm tôn lên sắc thái của văn hóa nông nghiệp, kín đáo mà mạnh mẽ của dân tộc Việt.

Trò Xuân Phả có 3 điệu múa mà người múa phải dùng mặt nạ, đó là điệu múa Lục Hồn Nhung, Chiêm Thành và Hoa Lang. Hàng ngày, dân làng ai cũng tường mặt nhau, thế nhưng khi hóa trang, nhập vai thì thật khó nhận ra đó là ai. Mặt nạ có nhiều loại, mỗi trò một màu và một biểu cảm riêng.

Thông qua các trò diễn, điệu múa, nhà vua muốn thần dân của mình đoàn kết và yêu thương nhau nhiều hơn, cùng nhau làm ăn, sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, ở điệu múa Hoa Lang, người múa dùng những chiếc quạt, múa động tác như tung hoa, thể hiện sự mừng rỡ, được mùa. Bên cạnh đó, nghệ nhân múa còn sử dụng những bài chèo thể hiện đời sống hàng ngày, làm ăn kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Điệu Lục Hồn Nhung thể hiện đời sống giản dị trong sinh hoạt gia đình, gồm nhiều thế hệ nhằm dạy dỗ con cháu phải biết sống kính trên, nhường dưới, đoàn kết yêu thương nhau.

Nhiều ẩn số cần được giải mã

Nghệ nhân Bùi Văn Hùng, người gắn bó với trò diễn Xuân Phả từ bé, đến nay vẫn luôn tích cực truyền dạy cho các thế hệ trẻ trong làng. Nghệ nhân Hùng chia sẻ, từ năm 1930, trò diễn Xuân Phả đã được mời đi trình diễn ở nhiều nơi. Tiêu biểu là năm 1935, trò diễn Xuân Phả được trình diễn tại hội chợ nông sản huyện Thọ Xuân. Năm 1936, đích thân vua Bảo Đại đã mời dân làng Xuân Phả diễn trò tại Hội chợ Kinh đô Huế, sau đó tiếp tục được mời đi diễn ở Sài Gòn, Hà Nội. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ sau này, trò diễn Xuân Phả thường được biểu diễn phục vụ cách mạng, nêu cao tinh thần yêu nước, khát khao giành độc lập dân tộc.

Trăn trở với việc gìn giữ trò diễn Xuân Phả - Ảnh 2.

Đặc trưng của trò Xuân Phả là nghệ nhân múa có những động tác phóng khoáng, thể hiện triết lý "trong nhu có cương, trong cương có nhu"

Trò diễn Xuân Phả đến nay đang đứng trước nguy cơ mai một khi việc tìm người để truyền dạy gặp khó khăn, đặc biệt là người biết cầm trống. Hiện nay, ở Xuân Phả, ngoài nghệ nhân Bùi Văn Hùng, chỉ còn cụ Đỗ Đình Tạ là thành thạo cầm trống nhưng cụ Tạ năm nay đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe yếu, khó có thể biểu diễn được từ đầu đến cuối trò.

Để học đánh trống, người học trước tiên phải thuộc và thạo các điệu múa, đồng thời phải có tâm huyết, năng khiếu, nhạy cảm về âm nhạc mới gõ trống có hồn, từ đó người múa mới cảm thụ được và múa khớp với trống.

Cũng theo nghệ nhân Hùng, tới nay các tài liệu nghiên cứu về trò diễn Xuân Phả đều dừng ở mức mô tả bằng chữ, hình ảnh vẽ từ trước gần như không có. Chính ông gần đây mới tự vẽ lại một số hình. Nhiều điệu múa, âm nhạc, điệu gõ mà đến nghệ nhân biểu diễn cũng chưa hiểu được hết. Đặc biệt, cách làm mặt nạ và trang phục là một ẩn số đang chờ các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian giải mã.

Lễ hội làng Xuân Phải diễn ra vào các ngày 9 - 10/2 âm lịch. Lễ hội thu hút người dân trên địa bàn huyện Thọ Xuân và các vùng lân cận, du khách thập phương đến xem diễn trò. Vì thế mà từ xa xưa, người dân Thanh Hóa truyền miệng nhau câu: "Ăn bánh với giò không bằng xem trò làng Láng" (làng Láng là tên gọi dân gian của làng Xuân Phả).

Năm 2016, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận trò diễn Xuân Phả là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn