Gần đây câu nói cũ trong 1 talkshow của diễn viên Cao Thái Hà bị "đào" lại: "Ba ơi, chắc có lẽ kiếp trước con với ba là người yêu… Con mong rằng kiếp sau mình đừng làm ba con nữa, mình là vợ chồng đi, để tình yêu nó được thăng hoa hơn". Câu nói này khiến nhiều người "dị ứng" bởi tình cảm cha con là tình cảm thiêng liêng không thể so sánh hơn thua với mối quan hệ vợ chồng.
Cùng thời điểm này "vua cá koi" Thắng Ngô lại đăng bức ảnh chụp với vợ mới cưới, ca sĩ Hà Thanh Xuân, cùng chú thích: "Con gái kiếp trước".
Chính vì thế nhiều người đã bất bình với câu nhiều người thường nói như 1 thói quen khi thấy con gái quấn quýt với cha.
Dưới đây là ý kiến của Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương.
- Khi gần đây phát ngôn của diễn viên Cao Thái Hà bị đào lại với câu nói “Con mong rằng kiếp sau mình đừng làm ba con nữa, mình là vợ chồng đi, để tình yêu nó được thăng hoa hơn”.
Tiếp theo đó “vua cá Koi” gọi vợ mình là “con gái kiếp trước”, dư luận cảm thấy bất bình. Người ta cho rằng câu nói này không có gì hay ho cả, thậm chí nó có thể gây ra những hiểu lầm, suy nghĩ biến tướng, gây lệch lạc trong nhận thức của nhiều người. Là 1 tiến sĩ giáo dục, chị nhìn nhận câu nói này như thế nào?
Theo tôi, bố là bố, con là con. Nếu câu này mà chính xác, nhà có 4 con gái thì ông bố có bao nhiêu người tình kiếp trước vậy chứ. Thực tế, bố và con là 2 thế hệ khác nhau, 2 quan điểm khác nhau, 2 cách sống khác nhau. Có rất nhiều cặp bố con không thể nói chuyện với nhau được vì những bất đồng quan điểm. Giữa họ tồn tại tình yêu máu mủ, con kính bố, bố thương con.
Nếu nghĩ theo hướng lệch lạc như câu nói “cha là người tình kiếp trước” thì quả thật đã quá coi thường mối quan hệ thiêng liêng mà cả đời có một giữa bố và con gái.
Nếu sử dụng cách nói này, chúng ta sẽ chẳng thấy tình cảm hiện lên trên câu nói mà còn khiến sự phản cảm đeo đẳng, đôi khi ám ảnh mối quan hệ cha con. Lạm dụng nó sẽ càng kì quặc hơn nữa.
- Thực ra câu nói này đã từng gây tranh cãi trên mạng xã hội từ lâu và không đi đến một thống nhất. Theo chị đây có phải là câu nói nên bị “loại bỏ” hoặc “lên án", để tránh những hệ lụy xấu có thể đến từ trong suy nghĩ đến hành động từ người lớn đến trẻ em?
Câu nói này là một dạng truyền miệng mới có gần đây. Trước nay, ở Việt Nam ta có rất nhiều câu ca dao tục ngữ hay nhưng giờ chúng ta hay chế ra các câu nói kì lạ. Nó có thể tối nghĩa hoặc gây hiểu nhầm hay phản cảm như câu nói này. Có một số thì vô nghĩa. Cũng có câu nói hay nhưng khá ít. Thực tế chứng minh, chúng ta không cần phải “loại bỏ” mà chỉ cần càng ít người sử dụng thì đến một giai đoạn nào đó, nó sẽ rơi vào lãng quên.
Sau các vụ việc ầm ĩ vừa rồi, chúng ta cũng thấy rõ sự phản cảm của câu nói này nên chắc chắn sẽ càng có ít người sử dụng.
Với trẻ em, chúng ta không nhất thiết phải cấm đoán hay “loại bỏ” những thứ không đẹp xung quanh các em mà cần thiết phải chỉ ra điều không hay trong những thứ đó để các em phân biệt tốt/xấu. “Loại” chưa chắc đã “bỏ” được, còn khi chẳng để ý tới thì nó không hiện diện trong cuộc sống chúng ta.
Như tại gia đình tôi, tôi hoàn toàn chẳng bao giờ nói câu này. Vì thế, con tôi cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều. Đến khi lớn, biết cân nhắc, bạn ấy chỉ có lần nói “con thấy câu nói này rất dở hơi”, thế thôi.
- Nhiều người đã nhắc đến hệ lụy nguy hiểm “ấu dâm” từ câu nói nghe có vẻ quen tai này...
Tôi nghĩ chúng ta cũng không cần phải phân tích quá kĩ một câu nói. Mặc dù, tôi cũng phải thừa nhận câu nói này gợi lên mối quan hệ rất không trong sáng. Tuy nhiên, phân tích kĩ câu nói cũng chẳng để làm gì. Nó chỉ đem lại cảm giác rất khó chịu mà thôi.
- Bác sĩ thần kinh và tâm lý người Áo nổi tiếng Sigmund Freud đã từng đề cập đến việc con gái có xu hướng quấn quýt với bố mình hơn mẹ. Nhưng dù sao quan hệ vợ chồng và quan hệ cha con máu mủ ruột thịt là hoàn toàn khác nhau, chị có nghĩ vậy không?
À, riêng điều này, tôi lại nghĩ bác sĩ Freud đã nói không thật sự đúng rồi. Quý con trai hơn hay con gái hơn là tùy vào từng người. Bố tôi có 3 người con gái, bố tôi quý em gái tôi lúc bé. Lớn lên thì cũng không rõ ràng lắm nhưng giữa bố con luôn có khoảng cách. Khoảng cách đó là khoảng cách thế hệ, khoảng cách khác giới. Không dễ gì xóa bỏ những khoảng cách như thế để quấn quýt với bố quá gần.
Con gái tôi cũng gần mẹ hơn gần bố. Cháu sẵn sàng chia sẻ mọi thứ với mẹ. Hai mẹ con có thể nằm cạnh gác chân lên nhau "buôn xuyên lục địa". Nhưng với bố, con chỉ nói tiết chế.
Bản thân tôi cũng là người thích con gái hơn con trai. Vì thế, tôi luôn vô cùng sung sướng vì đẻ được 1 cô con gái.
- Là người có thâm niên làm trong ngành giáo dục, là 1 người mẹ, người phụ nữ, chị đã gặp những tình huống, câu chuyện nào “khó xử” từ câu nói này gây ra?
Tôi nghĩ, có lẽ chúng ta vẫn chưa quên, tỉ lệ xâm hại từ cha đẻ là gần 1%. Nếu nói khó xử thì không đúng mà phải nói chính xác là không có gì đau lòng hơn. Động vào nỗi đau lớn đến vậy của những nạn nhân nhí là điều độc ác. Vì thế, tôi nghĩ, chúng ta nên quên câu nói này đi càng sớm càng tốt.
- Theo chị, sự gần gũi hoặc những động chạm giữa cha và con gái luôn cần có giới hạn đặc biệt như thế nào?
Cha con có khoảng cách thế hệ, khoảng cách giới tính. Ngay kể cả khi còn nhỏ, con gái và cha cũng cần có khoảng cách khi chăm sóc và sinh hoạt chung.
Tôi vẫn thường tư vấn cho các phụ huynh là việc chăm sóc và giáo dục giới tính của con gái nên dành cho mẹ, của con trai nên dành cho bố.
Sự rạch ròi trong các mối quan hệ gia đình cũng giúp các bạn nhỏ hình thành thói quen đúng đắn và nhân cách trong sáng. Vì thế, chúng ta cũng cần giữ khoảng cách rõ nét này cho các con.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn