Tranh cãi đề Văn kỳ thi THPT Quốc gia sai sót trong dùng từ

12:05 | 26/06/2018;
Thầy Nguyễn Văn Thuật – Trưởng bộ môn Địa lý, ĐH Đồng Nai - cho rằng đề Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia đã xảy ra nhầm lẫn trong cách sử dụng từ.

Ngay sau khi đọc đề thi Ngữ văn, thầy Nguyễn Văn Thuật cho rằng đề có sai sót. Cụ thể, trong câu số 2, phần đọc hiểu, đề thi hỏi: “Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những yếu tố nào thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất nước?” có sự nhầm lẫn.

devan.jpg
Đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2018
 

Theo thầy Thuật, ai học Địa Lý cũng đều biết: đất, khí hậu, địa hình, khoáng sản, biển, sông ngòi, rừng là các thành phần tự nhiên. Trong mỗi thành phần tự nhiên lại có các yếu tố tự nhiên, ví dụ: nhiệt độ, ánh sáng, lượng mưa... là các yếu tố thành phần khí hậu.

Trong khi đó, đề thi yêu cầu kể ra các yếu tố tự nhiên của đất nước trong đoạn trích nhưng đoạn trích không hề có một yếu tố tự nhiên nào ngoài từ “phù sa”.

“Tôi muốn nhấn mạnh về nội dung chuyên môn là tác giả ra đề thi đã lẫn lộn giữa 2 khái niệm thành phần tự nhiên và yếu tố tự nhiên” - thầy Thuật cho hay.

Thầy Nguyễn Văn Thuật cho rằng, đoạn thơ trích dẫn trong bài thơ của tác giả Nguyễn Duy có nhiều thành phần tự nhiên nhưng chỉ duy nhất có một yếu tố tự nhiên là phù sa.

Chính vì thế với câu hỏi của đề là chỉ ra các yếu tố tự nhiên có trong bài thơ, nếu thí sinh có thể chỉ ra được “phù sa” là yếu tố tự nhiên duy nhất trong đoạn thơ thì phải cho điểm tối đa bởi vì em ấy quá giỏi, còn em nào không trả lời được yếu tố nào thì cũng nên cho một nửa số điểm” – thầy cho hay.

Như vậy, theo thầy Thuật, trong các gợi ý đáp án đề thi Ngữ văn được lan truyền trên mạng, phần lớn đều liệt kê những yếu tố về tiềm lực tự nhiên của đất nước gồm đất đai, khoáng sản, châu báu, núi non, thềm lục địa, biển (bể), rừng, phù sa, sông là chưa hoàn toàn chính xác.

Bên cạnh đó, thầy Nguyễn Văn Thuật cũng chỉ ra việc dùng từ "tiềm lực tự nhiên" là không chuẩn xác, bởi thường thì từ “tiềm lực” chỉ sử dung đối với kinh tế, quân sự. Thay vào đó, cụm thừ “nguồn lực tự nhiên” thì sẽ chính xác hơn.

Quan điểm của thầy Nguyễn Văn Thuật là bài thi THPT Quốc gia cần đảm bảo sử dụng từ một cách chân phương, dễ hiểu và từ ấy phải có trong sách giáo khoa hoặc từ điển có dùng, không thể dùng từ một cách thiếu chính xác như vậy.

Tuy nhiên, chia sẻ với Phụ nữ VN, theo thầy Trần Trọng Hà, nguyên chuyên viên chuyên ngành Địa lý bộ GD&ĐT, đề thi đặt câu hỏi “những yếu tố nào thuộc tiềm lực tự nhiên của đất nước”, là mang khái niệm chung chung nên cách dùng từ như vậy không có gì sai.

“Nói khoáng sản, đất đai, khí hậu, sông ngòi, ao hồi… hay thậm chí là cá, chính là các yếu tố tự nhiên. Nếu hỏi về thành phần tự nhiên thì phải hỏi cụ thể và chuyên môn , còn câu hỏi như vậy, trong trường hợp này, nếu hiểu các cụm từ có trong đoạn thơ là các yếu tố tự nhiên, hay các thành phần tự nhiên, đều không có gì sai” – thầy Hà cho biết.

Hơn nữa, theo thầy Hà, đề hướng đến các nội dung thuộc “tiềm lực tự nhiên” nên ý nghĩa khá bao quát, vì thế không nên đi sâu vào việc phân định những cụm từ ấy thuộc yếu tố hay thành phần. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn