Đối mặt chứ không đối đầu
Nếu vợ hoặc chồng bạn là người dễ nổi nóng và không khéo léo trong xử trí tình huống mà bạn cũng giữ bản tính cố chấp, thích thách thức, ít khi chịu nhận lỗi về mình, thì hai người càng bị kích động mạnh và sẽ đẩy "cuộc chiến" lên cao.
Do đó, khi xảy ra tranh cãi, dù ai đúng ai sai, hai bạn đều không nên coi người kia là một “đối thủ”. Hãy giữ được thái độ bình tĩnh. Nếu quan điểm, cách làm của vợ chồng có sự trái ngược nhau, cả hai cần ngồi lại, tập trung vào đúng vấn đề đó để tìm ra tiếng nói chung. |
Tranh cãi có trọng tâm
Nhiều khi, giữa cuộc tranh cãi về một vấn đề này lại có những người hay liên hệ tới các chuyện khác đã từng không vừa ý từ trước đó để so sánh, chì chiết. Sự mở rộng, lật lại chủ đề này chỉ khiến cho vấn đề càng rắc rối. Mâu thuẫn chồng chéo mâu thuẫn để rồi cả hai lại rơi vào bế tắc. Vì thế, hãy cố gắng chỉ để suy nghĩ của mình liên quan đến vấn đề hiện tại và tập trung giải quyết nó. Làm như thế sẽ khiến rắc rối được gỡ dễ dàng hơn.
Gắng nghĩ về ưu điểm của người ấy
Đây là cách đã được rất nhiều người áp dụng trong xung đột của bất kỳ một mối quan hệ nào chứ không riêng giữa vợ chồng. Lúc mâu thuẫn, xung đột là lúc cảm thấy giận nhau đến đỉnh điểm. Nếu chỉ nhớ về những thói xấu của đối phương thì chỉ làm hình ảnh người ấy tồi tệ hơn, khiến cho mình mất kiểm soát hơn.
Do đó, khi xảy ra tranh cãi, bạn cố gắng hướng ý nghĩ của mình về những ưu điểm của người ấy và nếu có thể, hãy vạch ra được ít nhất 5 điều tốt mà người ấy đã từng làm cho bạn. Nó sẽ giúp bạn hạ hoả được phần nào.
Hạn chế trút giận lên người ấy vì lý do khách quan
Khi bạn gặp rắc rối ở công sở, rắc rối với mối quan hệ bạn bè riêng tư và bạn trở về nhà với gương mặt nặng như chì, đá thúng, đụng nia với bạn đời. Điều này không giải quyết được rắc rối của bạn mà còn khiến cho các thành viên khác trong gia đình, nhất là người ấy phải chịu đựng, bị “lây” cảm giác khó chịu. Họ sẽ cảm thấy hoặc là “tuyệt vọng” vì không thể chịu đựng điều đó thay bạn được, hoặc thật bất công nếu phải chịu đựng những stress từ người khác.
Xác định đó chỉ là chuyện riêng của vợ chồng
Nếu bạn để tình trạng mâu thuẫn, căng thẳng, tranh cãi của hai vợ chồng diễn ra trước mặt con cái, trước mặt bố mẹ, hoặc bạn bè, nơi đông người thường khiến cho người bạn đời cảm thấy hoặc là ngại ngùng, mặc cảm, hoặc sẽ trở nên mất bình tĩnh, bất cần, tàn nhẫn.
Vì vậy, hãy cố gắng thu xếp để khi tranh cãi chỉ là chuyện riêng của hai vợ chồng với khoảng không gian riêng. Lúc này, người bạn đời và cả chính bạn nữa, cảm thấy an toàn thì các rắc rối cũng sẽ dễ giải quyết hơn.