Chuyện sử dụng mỡ động vật trong chế độ ăn dặm của trẻ vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi suốt nhiều năm vừa qua. Nhiều người cho rằng mỡ động vật là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ, nhưng cũng không ít người cho rằng cơ thể trẻ chưa đủ phát triển để tiêu hóa mỡ.
Trả lời về câu hỏi "có nên sử dụng mỡ động vật trong chế độ ăn của trẻ" hay không, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: "Cha mẹ có thể bổ sung mỡ động vật cho con, nhất là các loại mỡ như mỡ gà, mỡ heo... Ngoài ra, mẹ cần cân đối lượng sử dụng giữa mỡ động vật và dầu thực vật cho bé.
Ví dụ em bé 9 tháng có thể bổ sung 10g dầu mỡ vào bát bột, bát cháo của con thì mẹ có thể chia ra thành 5g dầu ăn, 5g mỡ động vật để cân đối. Như vậy cũng sẽ giúp bát cháo, bột mềm hơn và có vị ngon hơn".
Vị chuyên gia cũng tiết lộ rằng, đối với trẻ nhỏ việc dùng mỡ gà sẽ tốt hơn mỡ heo bởi vì trong mỡ gà có chứa nhiều chất béo không no hơn mỡ heo.
Theo Tháp dinh dưỡng được xây dựng bởi Viện Dinh dưỡng quốc gia, mỗi bữa ăn của trẻ cần đủ 4 nhóm: đường bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), chất béo, chất đạm và vitamin – khoáng chất. Trong đó, chất béo (bao gồm dầu thực vật và mỡ động vật) thuộc nhóm cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động và duy trì sự sống.
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Trẻ càng nhỏ thì nhu cầu sử dụng chất béo càng lớn. Trong đó, trẻ sơ sinh cần đến 50% năng lượng từ chất béo (sữa mẹ). Trẻ dưới 1 tuổi cần 40-50% năng lượng từ chất béo, đến từ sữa mẹ và thức ăn dặm. Và trẻ 1-2 tuổi cần 30-35% năng lượng chất béo từ thực phẩm.
Cụ thể:
- Với trẻ mới bắt đầu ăn dặm (dưới 6 tháng tuổi): Mỗi bữa ăn từ 1/2 thìa đến 1 thìa cà phê dầu mỡ (2,5 - 5ml).
- Trẻ từ 1- 2 tuổi: Mỗi bữa có thể dùng 1,5 - 2 thìa dầu mỡ.
- Từ trên 2 tuổi mỗi bữa ăn 10ml (2 thìa).
- Khi cho trẻ nhỏ sử dụng bất cứ một loại dầu ăn nào, bố mẹ cũng nên để trẻ dùng liều lượng ít một, sau đó tăng dần. Nếu con gặp tình trạng tiêu chảy sau khi ăn thì cần giảm lượng dầu mỡ xuống.
- Dầu, mỡ sử dụng cho chiên, rán còn thừa tốt nhất là nên bỏ đi, bởi vì sau khi qua nhiệt độ cao trong thời gian dài, các vitamin có trong dầu sẽ bị phá hủy.
- Khi chọn lựa các loại dầu cho trẻ cần phải nắm rõ các nguồn gốc xuất xứ để tránh tình trạng mua nhầm những loại dầu kém chất lượng.
- Nhiều bà mẹ sử dụng dầu gấc để nấu ăn cho con, cần lưu ý chỉ bổ sung dầu gấc sau khi thức ăn đã chín. Tốt nhất là lúc vừa tắt bếp xong, cháo bột còn nóng để giữ nguyên các vitamin và dinh dưỡng trong dầu gấc.
Viện Dinh dưỡng cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên cho gia vị mắm muối vào thức ăn của trẻ dưới 1 tuổi. Bởi thận của trẻ dưới 1 tuổi không tải quá 1g muối mỗi ngày, lượng muối trong thực phẩm đã đủ cung cấp cho nhu cầu của trẻ. Từ 1 tuổi có thể cho mắm muối nhưng phải nấu nhạt hơn khẩu vị của người lớn. Tập thói quen ăn nhạt cho trẻ từ nhỏ là cách tốt nhất phòng ngừa các bệnh về tim mạch, huyết áp và thận sau này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn