Tranh chấp tại BV Đa khoa Hòa Bình: VKS đề nghị bác các yêu cầu của nguyên đơn

11:30 | 25/10/2019;
Thời gian gần đây, BV Đa khoa Hòa Bình xảy ra tranh chấp giữa một số cổ đông cũ và mới. Một số cổ đông cũ đã khởi kiện ra Tòa để đề nghị xem xét một số vấn đề, trong đó có cả tư cách Chủ tịch HĐQT của bà Nguyễn Thị Thu Trang. Ngày 24/10, TAND tỉnh Hải Dương đã mở phiên tòa sơ thẩm và VKSND tỉnh Hải Dương đã đề nghị HĐXX bác các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn…
HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương

BV Đa khoa Hòa Bình có trụ sở chính tại phố Phạm Xuân Huân, Khu đô thị mới phía Đông, phường Hải Tân, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Người đại diện pháp luật hiện nay là bà Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch HĐQT.

Bệnh viện này có tiền thân là Công ty Cổ phần Khám, chữa bệnh Đa khoa Hòa Bình, được thành lập ngày 22/11/2002 bởi ba Cổ đông sáng lập (CĐSL) là ông Nguyễn Đức Huân, bà Phạm Thị Chiển và Trần Văn Thắng.

 Ở thời điểm thành lập, Công ty có vốn điều lệ do cổ đông góp là 1,85 tỷ đồng và ông Nguyễn Đức Huân làm Chủ tịch HĐQT. Đến ngày 31/12/2008 (theo báo cáo kiểm toán của Công ty kiểm toán- tư vấn định giá ACC-Việt Nam), vốn góp chủ sở hữu từ ba CĐSL góp đạt là 7,1 tỷ đồng.

Căn cứ Quyết định 3688/QĐ-UB ngày 29/4/2004 của UBND tỉnh Hải Dương, Công ty Nam Cường đã ký Hợp đồng số 126 ngày 28/01/2005 chuyển nhượng các lô đất quy hoạch xây dựng Bệnh viện cho Công ty và đã xuất Hóa đơn GTGT số 0093695 ngày 09/5/2005. Công ty đã thanh toán trả Công ty Nam Cường với tổng số tiền chuyển nhượng đất là 2.943.032.500 đồng.

Ngày 12/10/2005, UBND tỉnh Hải Dương đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sê ri AC 382915, số vào sổ T 00756 cho Công ty Cổ phần khám chữa bệnh đa khoa Hòa Bình được quyền sử dụng 5.350,95m2 tại lô 33, ô 49-50, tờ bản đồ QH 08.

Thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, Công ty đã kết nạp các cổ đông khác để cùng góp vốn đầu tư. Cụ thể, từ tháng 01/2007 đến 02/2008, Công ty đã huy động thêm được 9,6 tỷ đồng vốn góp của 04 cổ đông, gồm: ông Phùng Quang Thịnh, ông Vũ Đức Nhưỡng, ông Vũ Ngọc Lung và ông Nguyễn Hữu Phấn (bà Trần Thị Nga).

Như vậy, số vốn góp chủ sở hữu của tất cả các cổ đông với tiền thực tế tổng cộng là 16,7 tỷ đồng (cũ 7,1 tỷ mới 9,6 tỷ). Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2008, khi kết nạp các cổ đông mới và góp thêm 9,6 tỷ đồng như đã nói trên, 03 CĐSL ban đầu đã đăng ký lại cho Công ty với số vốn điều lệ là 27,735 tỷ đồng. Số chênh lệnh số tiền với số vốn góp thực tế là 11,035 tỷ đồng.

Khai khống vốn điều lệ

 Để hợp thức hóa số tiền 11,035 tỷ đồng không góp thực, ngày 02/01/2010, 03 CĐSL ban đầu (dưới danh nghĩa là Hội đồng quản trị) đã tự định giá diện tích 5.350,95m2 đất thuộc quyền sử dụng của Công ty với giá trị là 18,135 tỷ đồng, và sau khi trừ đi 7,1 tỷ đồng (vốn góp trước đó), họ đã tự coi giá trị chênh lệch 11,035 tỷ đồng là vốn góp bổ sung của 03 CĐSL.

Cách xử lý này là bất hợp pháp, không được Chi cục Thuế TP Hải Dương và các Công ty kiểm toán độc lập công nhận. Vì, diện tích 5.350,95 m2 đất là tài sản của Công ty, không phải là tài sản cá nhân của 03 CĐSL bổ sung mà do 03 Cổ đông này tự định giá cao lên và ghi vốn góp cho mình. Từ việc làm trái quy định của 03 CĐSL, hậu quả Công ty đã bị Chi cục Thuế TP Hải Dương xử lý truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp và phạt tiền thuế lên đến hàng trăm triệu đồng.

Từ tháng 10/2017 đến tháng 09/2018, ông Vũ Văn Khoa (Tiến sĩ Y khoa – Bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức) cùng với vợ là bà Nguyễn Thị Thu Trang  đã nhận chuyển nhượng một số cổ phần từ các cổ đông của Công ty.

Ngày 30/9/2017, 100% cổ đông của Công ty đã tham gia Cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), trong đó có các Cổ đông cũ và các Cổ đông mới gia nhập Công ty bằng việc nhận chuyển nhượng cổ phần. ĐHĐCĐ đã bầu bà Nguyễn Thị Thu Trang giữ chức danh Chủ tịch HĐQT, là người đại diện theo pháp luật của Công ty.

Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình

Sau khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT, một trong các nhiệm vụ của bà Trang là tái cấu trúc Công ty, đánh giá tình hình thực trạng tài chính, tìm nguồn vốn bổ sung đầu tư cho Bệnh viện.

Qua rà soát, kiểm tra, bà Trang đã được bộ phận tài chính kế toán báo cáo về sai phạm của các CĐSL khi góp vốn khống số tiền 11,035 tỷ đồng như nói trên, cũng như một số sai phạm về quản lý, thu chi tài chính khác của ban điều hành (cũ).

Công ty (do bà Trang là đại diện) đã có ý kiến yêu cầu khắc phục, sửa chữa. Cụ thể, đã đề nghị các CĐSL ban đầu góp bổ sung vốn phần còn thiếu để Công ty có nguồn tài chính hoạt động. Tuy nhiên, các CĐSL một mặt yêu cầu Công ty hợp thức hóa số tiền góp vốn; mặt khác tuyên bố không góp thêm một đồng tiền nào cho Công ty.

Căn cứ theo các quy định của pháp luật, ông Vũ Văn Khoa đã nhiều lần yêu cầu Công ty tiến hành họp ĐHĐCĐ bất thường để xem xét về số vốn khống hơn 11 tỷ đồng nói trên, nhưng không được chấp nhận.

Tiếp tục thực hiện quyền cổ đông theo quy định Luật Doanh nghiệp năm 2014, ông Vũ Văn Khoa đã trực tiếp triệu tập cuộc họp bất thường của ĐHĐCĐ tổ chức vào ngày 24/12/2018.

Tại cuộc họp này, căn cứ Nghị quyết của ĐHĐCĐ, Công ty lập và nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp giảm vốn điều lệ của Công ty ở mức 16,7 tỷ đồng – mức thực tế mà các cổ đông đã đóng góp.

Sau đó, một số cổ đông đã khởi kiện ra tòa, đề nghị TAND tỉnh Hải Dương hủy bỏ Biên bản cuộc họp và các nghị quyết được ĐHĐCĐ thông qua tại cuộc họp ngày 24/12/2018 cùng một số yêu cầu khác.

Tại phiên tòa ngày 24/10, phía nguyên đơn không đưa ra được bất cứ một cơ sở pháp lý nào để chứng minh việc 3 CĐSL tự ý nâng khống 11,035 tỷ đồng để bổ sung vốn điều lệ của Công ty lên 27,735 tỷ đồng là đúng.

Thậm chí, ông Trần Văn Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT của Công ty và là 1 trong 3 cổ đông sáng lập cũng thừa nhận trước Tòa rằng, thời điểm đó họ nghĩ được mọi người đồng ý thì làm thôi, cũng không biết làm thế là đúng hay sai, trên cơ sở pháp luật nào. Vì vậy, cũng tại phiên tòa này, ông Thắng cũng mong được HĐXX làm rõ việc 3 cổ đông sáng lập thỏa thuận bổ sung vốn điều lệ Công ty bằng cách nâng giá trị mảnh đất lên như thế có đúng không.

Phát biểu quan điểm tại phiên tòa, đại diện Viện KSND tỉnh Hải Dương cho rằng: Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như thông báo số 64/TB-UBND ngày 11/8/2004 của UBND tỉnh Hải Dương về việc chấp thuận Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình và văn bản về việc đồng ý cho Công ty Nam Cường chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty Hòa Bình… Sau đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND tỉnh Hải Dương cấp ngày 12/10/2005 cũng đứng tên Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình... Vậy nên, phải xác định mảnh đất đó là tài sản của Công ty, không phải là tài sản riêng của bất cứ cá nhân nào.

Việc các cổ đông tự thỏa thuận với nhau để định giá mảnh đất đó trị giá 18,135 tỷ đồng vào ngày 2/1/2010, trừ đi số vốn là 7,1 tỷ đồng đã góp trước đó, còn lại 11,035 tỷ đồng coi như là vốn góp bổ sung của 3 cổ đông sáng lập là không đúng quy định của pháp luật…

Việc ông Khoa với tư cách một cổ đông nắm giữ hơn 10% cổ phần triệu tập cuộc họp bất thường ĐHĐCĐ là đúng pháp luật. Việc bà Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch HĐQT lập sổ cổ đông và danh sách cổ đông trên cơ sở số vốn góp thực tế của mỗi người là hoàn toàn đúng pháp luật…

Căn cứ các tại liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, đại diện Viện KSND tỉnh Hải Dương cho rằng không có căn cứ để chấp thuận các yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn và đề nghị HĐXX TAND tỉnh Hải Dương bác các yêu cầu của nguyên đơn.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX cho rằng vụ án có một số tình tiết phức tạp, nên cần có thời gian để đánh giá. Vì vậy, bản án sẽ được tuyên vào hồi 9h30 ngày 30/10. Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn