Trước tình hình đó, Công ty Minh Khang, đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Peace Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, vừa tổ chức buổi họp báo để công kết luận thẩm định chéo của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ).
Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy (nghệ danh Thùy Dương), Giám đốc công ty Minh Khang, cho biết công ty của bà đã xin thẩm định 2 việc. Một là Công ty Minh Khang có vi phạm sở hữu trí tuệ gì của Công ty Sen Vàng (đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Grand Việt Nam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) hay không. Hai là Công ty Minh Khang có đang bị Sen Vàng vi phạm sở hữu trí tuệ không.
Theo bà Thanh Thùy, đây là việc làm cần thiết, khách quan trước những lùm xùm tranh chấp bản quyền tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam giữa Công ty Minh Khang và Công ty Sen Vàng thời gian vừa qua.
Tại buổi họp báo, công ty Minh Khang đã cung cấp cho báo chí Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH275-22YC và Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH268-22YC.
Theo đó, Văn bản NH268-22YC không có đủ căn cứ để khẳng định dấu hiệu "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022" trong cụm từ "Thể lệ tham gia cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022" dự định sử dụng cho dịch vụ tổ chức cuộc thi sắc đẹp là tương tự đến mức gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 384154 (nhãn hiệu cấp cho Miss Grand International).
Văn bản NH275-22YC, dấu hiệu "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022" trình bày trên "Mẫu đơn đăng ký dự thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022" được giới thiệu trên trang Facebook nhằm quảng cáo cho dịch vụ tổ chức cuộc thi sắc đẹp (trang Facebook của MissGrandVNOfficial) là yếu tố xâm phạm quyền. Nó đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 326167 của công ty Minh Khang.
Cả hai văn bản đều do giám định viên Phạm Đình Chướng thực hiện từ ngày 13 và 20/6/2022 tại trụ sở Viện Khoa học sở hữu trí tuệ. Hai văn bản này do Phó viện trưởng Nguyễn Hữu Cẩn ký.
Bà Thanh Thùy khẳng định, với hai văn bản kết luận giám định sở hữu công nghiệp do phía Minh Khang yêu cầu Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thực hiện đã có đủ tính pháp lý để khởi kiện công ty Sen Vàng về vấn đề bản quyền tên gọi.
Tuy nhiên, với tiêu chí và mục đích của cuộc thi sắc đẹp, bà Thanh Thùy mong muốn được đối thoại hòa bình để giải quyết tranh chấp với Sen Vàng.
Bà Thanh Thùy cũng cho biết, hiện nay Minh Khang đã gửi văn bản đến phía Sen Vàng nhưng chưa nhận lại được phản hồi. "Nếu công ty Sen Vàng vẫn tiếp tục có những dấu hiệu sử dụng tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam thì phía công ty Minh Khang có thể yêu cầu xử lý xâm phạm bằng pháp luật", bà Thanh Thùy nói.
Về phía Sen Vàng, khi trả lời truyền thông, đại diện là bà Phạm Thùy Dung cho biết, luật sư của đơn vị này đang làm việc và sẽ có văn bản sớm nhất gửi tới cơ quan báo chí.
Trước đó, đại diện pháp luật của Sen Vàng đã giải thích về việc tên gọi Miss Grand lại là Hoa hậu Hòa bình. Theo đó, cuộc thi Miss Grand International hướng đến mục tiêu, tôn chỉ là Stop war and violence - Chấm dứt chiến tranh và bạo lực nên được biết đến như một cuộc thi sắc đẹp vì hòa bình. Cũng vì vậy mà Miss Grand International được Việt hóa thành tên gọi Hoa hậu Hòa bình quốc tế, Miss Grand Vietnam thành Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Còn theo ông Chung Đăng Khoa, đại diện pháp luật của Công ty Minh Khang giải thích, hiện tại cơ chế xác lập quyền cũng như đối tượng sở hữu công nghiệp không bảo hộ về ý tưởng.
"Nghĩa là không biết thông điệp, ý tưởng đó mang tính được tuyên bố gì, người ta chỉ cần biết là bảo hộ nhãn hiệu thế nào thì sử dụng như vậy. Trên thực tế thì Vietnam Peace Bella của Công ty Minh Khang được bảo hộ, thì dịch sang không trên ý tưởng gì hết, dịch sát nghĩa luôn là Sắc đẹp hòa bình Việt Nam.
Trên cơ sở đó, chúng tôi tổ chức cuộc thi với tên Hoa hậu Hòa bình Việt Nam là sử dụng nhãn hiệu nằm trong phạm vi bảo hộ của chúng tôi đã được cấp", ông Chu Đăng Khoa khẳng định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn