Tranh luận về sách giáo khoa: Nguy cơ mất tiền mà mua phải sách giả

10:02 | 04/11/2020;
Tại nghị trường Quốc hội sáng nay (4/11), các đại biểu tiếp tục có ý kiến trái chiều về vấn đề Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều có nhiều nội dung thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic; đặc biệt là vấn đề truy cứu trách nhiệm của hành vi vi phạm in lậu sách, SGK.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 10, sáng 4/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia… Vấn đề sách giáo khoa vẫn làm nóng nghị trường khi các đại biểu tiếp nối cuộc tranh luận diễn ra từ phiên họp hộp qua (3/11). 

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, trao đổi lại một số ý kiến đại biểu khác đã tranh luận, đồng thời cho rằng: Về sách giáo khoa lớp 1 với các vấn đề liên quan, cử tri bức xúc phản ánh với Đoàn ĐBQH, "chúng ta cần phải làm tròn trách nhiệm với nhân dân và tôi đã phát biểu từ sự phản ánh trung thực, kiến nghị của cử tri địa phương, không phải của riêng cá nhân".

Về vấn đề sai phạm phải chuyển cơ quan điều tra, theo đại biểu Thảo, cần đẩy nhanh tiến độ điều tra để truy cứu trách nhiệm đối với các "hành vi in ấn trái phép, làm giả sách giáo khoa, sách tham khảo để đảm bảo công bằng về quyền tác giả, quyền xuất bản của từng bộ sách". 

Kiến nghị này xuất phát từ 2 căn cứ: thứ nhất, tình trạng sách lậu đã tồn tại trong nhiều năm qua chưa được dẹp bỏ. Tháng 9 vừa qua, lực lượng Công an và Quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ tại một cơ sở được gần 60.000 sách, có cả sách giáo khoa, sách tham khảo, cùng 3,7 tấn bán thành phẩm đang bị in lậu. Thứ hai, cử tri băn khoăn về tình trạng này làm cho con em người dân có nguy cơ mất tiền mà mua phải sách giáo khoa giả.

Qua đó, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đề xuất truy cứu trách nhiệm với hành vi in ấn trái phép, làm giả sách giáo khoa, sách tham khảo; đồng thời thể hiện được mong muốn, đòi hỏi sự công bằng về quyền lợi cho chính các tác giả thực sự của sách giáo khoa nói chung và sách giáo khoa lớp 1 nói riêng.

Như Báo PNVN đã đưa, tại phiên thảo luận ngày hôm qua (3/11), ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo - Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Khuyến (Nam Định) - thể hiện sự băn khoăn việc biên soạn Sách giáo khoa mới lớp 1 năm học này. Trong đó, Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều, theo đại biểu Phương Thảo, có sự thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic và chưa khai thác được kho tàng văn hóa dân gian của Việt Nam. Điều này dẫn tới giáo viên phải vừa dạy vừa điều chỉnh. Đây là một tình trạng thực tế và đang để lại dư luận không tốt.

Qua đó, đại biểu này cho rằng: "Chúng ta cần phải làm rõ có hay không tình trạng sai sót ở đây và nếu có sai đâu, thuộc cuốn nào, bộ sách nào và trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả thuộc về ai?". Liên quan đến việc quy trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền, ĐB Phương Thảo đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng từng khâu để làm rõ mức độ sai sót pháp luật, tạo căn cứ để có thể tiến hành xử lý hay kỷ luật các cá nhân có trách nhiệm khi có dấu hiệu sai phạm. Bên cạnh đó, đại biểu này cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra xét xử để truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi in ấn trái phép, làm giả SGK, sách tham khảo để đảm bảo công bằng về quyền tác giả, quyền xuất bản.

Tranh luận về sách giáo khoa: Nguy cơ mất tiền mà mua phải sách giáo khoa giả - Ảnh 1.

Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình)

Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng, ĐB Thảo cần cân nhắc ý kiến phát biểu của mình trước Quốc hội khi đã trầm trọng hóa vấn đề. Ông Phương cho rằng, một số thiếu sót ở SGK Tiếng việt lớp 1 bộ Cánh Diều thể hiện ở chỗ một số ngữ liệu phục vụ cho học âm, bài đọc của học sinh là chưa thật phù hợp chứ không phải sai sót đến mức nghiêm trọng và cũng không phải sai sót đến mức phải chuyển cơ quan điều tra hoặc là hình sự hóa việc sai sót này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn