Tranh luận về việc có nên cho con đi học nghề khi hết lớp 9

09:00 | 13/09/2018;
Mới đây, chủ đề “có nên cho trẻ “không mê học hành” đi học nghề khi hết lớp 9” trên diễn đàn dành cho các bà mẹ đã được nhiều phụ huynh tranh luận gay gắt. Người ủng hộ cho con theo đuổi đam mê không ít, người nằng nặc “sống chết gì cũng phải có bằng THPT” cũng rất đông.
bangcap.jpg
Nhiều cha mẹ “sống chết” gì cũng phải cho con học hết THPT mới cho đi học nghề. Ảnh minh họa

 

Nhất định con phải có bằng THPT

Không ít phụ huynh thẳng thắn cho biết, thời nay, bằng THPT mới là phổ cập, thế nên không có chuyện cho con đi học nghề khi hết lớp 9 mà “sống chết” gì cũng phải cho con học hết THPT mới cho đi học nghề.

Theo chị Hương Thảo, xã hội Việt Nam vẫn còn nặng vấn đề bằng cấp, thế nên cha mẹ cần khuyến khích con học hết THPT rồi mới đi học nghề là tốt nhất. Trẻ hết lớp 9 đang ở tuổi “dở dở ương ương” không có suy nghĩ chín chắn, cho con đi học nghề sớm, kiếm tiền sớm sẽ có nhiều hệ lụy. Học mấy năm THPT mang lại suy nghĩ và tư duy khác với việc chỉ học hết THCS. Thế nên, dù như thế nào, vẫn phải cho con học hết THPT rồi mới tính đến chuyện cho con đi học nghề.

Cùng quan điểm trên, chị Xuân Hương cho biết, ở độ tuổi này, trẻ chưa thực sự chín chắn nên bố mẹ có thể vừa cho con học THPT, vừa cho con đi học nghề và có thể đi làm partime. 3 năm vừa học vừa làm thêm, con sẽ nhận ra mình có thực sự yêu thích và đi theo nghề đó.

hoc-nghe-2.jpg
Họ cho rằng con chưa oàn thiện về tính cách và nhận thức khi đi học nghề sớm. Ảnh minh họa

 

Quan điểm của các phụ huynh bảo vệ quan điểm kiểu gì con cũng phải “có bằng THPT rồi học gì mới tính”  là: Không ủng hộ việc bố mẹ nhất nhất bắt con học ĐH nhưng phải học hết THPT để tính cách và nhận thức của con được hoàn thiện, nếu chỉ  học hết lớp 9, các con chưa nhận thức hết được mọi vấn đề của cuộc sống. Chị Xuân Anh nhấn mạnh: Ở cấp THCS, nền giáo dục nước mình chưa tập trung dạy kỹ năng sống, thế nên các con chưa đủ khả năng để đối đầu với những vấn đề trong cuộc sống. Học 3 năm THPT, các con “không mê học hành” có thể không học kiến thức nhưng có thêm thời gian chuẩn bị cho những bước tiếp theo. Bởi lỡ sau một thời gian, con không còn đam mê nghề đó thì việc quay lại học THPT sẽ rất khó khăn, như vậy con sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội trong tương lai. Hơn nữa, nếu có bằng THPT, cùng với việc đi học nghề, con sẽ có cái nhìn toàn diện hơn, hướng đi rõ ràng hơn, đồng thời có nền tảng để tiến xa hơn trong tương lai.

Ủng hộ cho con đi học nghề để theo đuổi đam mê

Ngược với quan điểm “nhất định phải cho con học THPT” thì khá đông các cha mẹ ủng hộ cho trẻ đi học nghề khi hết lớp 9 nếu con không thiết học hành, coi việc học là cực hình và con có niềm đam mê với nghề nào đó.

Những phụ huynh này cho rằng, việc ép đứa trẻ “học mãi không vào” đi học thì chỉ mất thời gian, công sức, tiền bạc. Chính vì vậy, cho con đi học nghề sớm, cơ hội đi làm, kiếm tiền của con cũng sớm hơn.

hoc-nghe.jpg
Không ít phụ huynh ủng hộ con đi học nghề nếu con không có khả năng học, coi việc học như cực hình. Ảnh minh họa

 

Theo chị Huyền Thư, bằng cấp bây giờ chỉ là thứ trang sức, nhiều người có bằng nọ bằng kia nhưng vẫn thất nghiệp, vẫn phải quay lại học nghề hay “giấu nhẹm bằng” để đi làm công nhân. Chính vì vậy, cha mẹ cần nhìn vào thực tế cuộc sống chứ không vì sĩ diện của cha mẹ, vì trào lưu của xã hội mà ép con đi học để lấy cái bằng THPT, ĐH khi con không muốn, khi con không có khả năng. “Việc ép con học khi con học kém sẽ gây áp lực và stress cho con, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy. Việc học không bao giờ là muộn. Hãy cho con được chứng minh và dám đương đầu với khó khăn mà con có thể gặp phải. Có thể trên đường đời con sẽ vấp ngã nhưng con sẽ nhận được những bài học, kinh nghiệm quý giá”, chị Huyền Thư chia sẻ

Có con học hết lớp 9 và đòi nghỉ học để đi học nghề, ban đầu chị Tuyết Mai vô cùng sốc, mất ăn mất ngủ bởi không thể chấp nhận được trình độ học vấn của con thấp như thế. Thế nhưng, sau khi nhiều người khuyên hãy để con sống cuộc đời của con, để con tự phát triển nghề nghiệp theo cách con chọn thì chị mới “thông suốt”. Hiện tại, chị cảm thấy khá hài lòng khi con khá yêu thích nghề mà con đang học ở trường trung cấp. “Bố mẹ chỉ định hướng một phần, còn lại không thể áp đặt suy nghĩ của mình lên con, cho rằng con non nớt, chưa trưởng thành, chưa chín chắn… Cha mẹ cần làm bạn với con từ sớm để hiểu con nghĩ gì, con mong muốn gì. Cha mẹ cho con làm theo ý muốn của con nhưng con phải hiểu và biết tự chịu trách nhiệm về lựa chọn đó. Con có thể thành công hay thất bại. Nếu thất bại sớm, con càng học được nhiều từ cuộc sống mà ở nhà trường con không bao giờ học được. Chính vì thế, bố mẹ nên tôn trọng quyết định của con”, chị Tuyết Mai chia sẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn