Tránh mắc phải 8 sai lầm khi cho trẻ bú bình

10:57 | 07/07/2022;
Không ít người có thói quen dồn nhiều bình sữa đã sử dụng để rửa một lần cho tiết kiệm thời gian và công sức.

1. Để bé bú sữa đến cạn bình

Nhiều người có thói quen cho trẻ bú sữa đến cạn bình mà không rút bình ra. Điều này khiến cho trẻ dễ nuốt nhiều không khí, gây chướng bụng, đau bụng, đầy hơi, nôn trớ. Để tránh tình trạng này, người cho trẻ ăn cần kiểm soát thời gian cho con bú, mỗi lần tối đa 20 phút. Ngoài ra, sau khi cho bú mẹ hay cho trẻ bú bình, người chăm sóc cần bế trẻ lên vai để ợ hơi.

2. Để trẻ nằm bú bình

Có một số cha mẹ chưa hiểu rõ về tư thế thích hợp cho trẻ bú bình. Họ tưởng rằng, việc để trẻ nằm trên giường sẽ khiến chúng cảm thấy thoải mái nhưng điều này có thể gây hại nhiều hơn lợi. Điều này là do việc trẻ nằm thẳng khi uống sữa có thể khiến sữa dễ chảy vào ống tai, gây viêm nhiễm. Để tránh tình trạng này, người cho trẻ ăn nên đặt trẻ trong tư thế bán thẳng đứng, hoặc sử dụng gối kê thích hợp.

3. Để trẻ vừa ngủ vừa bú bình

Sữa, nước hoa quả đều là những chất chứa đường. Vào ban đêm, chất đường này sẽ lên men, tạo ra các sản phẩm chứa axit, gây hại cho răng miệng. Nếu để trẻ ngậm bình sữa trong thời gian dài sẽ dễ dẫn tới tình trạng sâu răng. Khi thấy trẻ ngủ say, người chăm sóc trẻ nên lấy bình sữa ra khỏi tay trẻ.

4. Cho trẻ bú bình ngay sau sinh

Đối với những người mẹ muốn cho con bú sữa mẹ, tốt hơn hết họ nên để trẻ dùng bình bú càng muộn càng tốt. Khi sử dụng bình sữa quá sớm, trẻ có thể nhầm lẫn núm vú, chúng sẽ chuyển sang thích bú bình thay vì bú mẹ. Vì thế, người mẹ cần đợi cho trẻ phát triển tới giai đoạn thích hợp mới cho chúng làm quen với việc bú bình.

5. Dồn bình sữa lại với nhau để rửa cùng lúc

Có không ít người có thói quen này, họ thích dồn nhiều bình sữa đã sử dụng để rửa một lần cho tiết kiệm thời gian và công sức. Việc này rất thuận tiện cho người chăm sóc trẻ nhưng thực tế, khả năng miễn dịch của trẻ còn kém, nếu bình sữa bẩn, để quá lâu chưa rửa, vi khuẩn sẽ phát triển trong bình bú. Vì vậy, người chăm sóc trẻ nên siêng năng vệ sinh bình bú ngay sau khi trẻ bú xong.

6. Chỉ khử trùng bình sau khi sử dụng

Để trẻ không bị nhiễm khuẩn khi sử dụng bình sữa, việc tiệt trùng bình sữa trước và sau khi cho trẻ sử dụng là điều rất quan trọng.

7. Bỏ qua ngày hết hạn của bình sữa

Nhiều người cho rằng, chỉ cần bình sữa không bị hỏng là có thể sử dụng lâu dài. Thực tế, bình sữa cũng có hạn sử dụng, bình sữa bằng nhựa thông thường có thời gian là nửa năm. Ngoài ra, thời gian sử dụng của núm vú ngắn hơn, khoảng 3 tháng. Vì thế, nếu đến thời hạn, người chăm sóc trẻ cần phải kịp thời thay bình bú mới cho trẻ.

8. Thích mua các bình sữa có hình dáng bắt mắt

Một số cha mẹ khi chọn mua bình sữa cho con thường ưu tiên chọn những loại có hình dáng bắt mắt thay vì chú trọng tới chất liệu và tính an toàn. Họ không biết rằng, một số bình sữa sử dụng nhựa kém chất lượng, giá thành rẻ, màu sắc đẹp nhưng có chứa chì bên trong, rất độc hại cho trẻ em. Khi chọn mua bình sữa cho trẻ, cha mẹ nên chú ý tới các thương hiệu nổi tiếng, hình dáng đơn giản, phù hợp với từng độ tuổi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn