Tránh thai vị thành niên: Cần “vẽ đường” cho cả trẻ gái và trai

11:49 | 11/10/2017;
Nhiều chuyên gia cho rằng, không chỉ chú trọng giáo dục giới tính cho trẻ gái mà cần “vẽ đường” cho cả bé trai. Bởi hầu hết các em là người chủ động quan hệ tình dục sớm.
Theo TS Phạm Thị Thanh Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn Sức khỏe sinh sản – Kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGĐ), BV Phụ sản TƯ, tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân của giới trẻ ngày càng phổ biến. Để ngăn chặn là không thể, thay vào đó, cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình cần triển khai những giải pháp nhằm hạn chế mang thai ngoài ý muốn cho trẻ vị thành niên.
 
Cụ thể, cơ quan chức năng cần triển khai nhiều chương trình tuyên truyền về chăm sóc SKSS tại các trường THCS, THPT. Đồng thời, thành lập các câu lạc bộ Vị thành niên và thanh niên tại các trường để tuyên truyền về chăm sóc SKSS. Các trường có thể triển khai, phát triển các mô hình như “Góc thân thiện” nhằm chăm sóc SKSS toàn diện cho thanh thiếu niên nông thôn; tập huấn kiến thức cho phụ huynh của trẻ vị thành niên. Nhà trường có thể mời bác sĩ, chuyên gia sản khoa đến những lớp học hay các buổi dã ngoại để chia sẻ, trò chuyện với các em.
pha-thai.jpg
Cần tăng cường giáo dục giới tính, phòng tránh thai cho trẻ vị thanh niên

TS Hiền cho rằng, với các tiết học liên quan giới tính, có thể tách riêng nam giới và nữ giới. Hiện việc dạy giáo dục giới tính còn thực hiện chung trong lớp có cả nam và nữ. Điều này có thể khiến các em ngại ngùng, không muốn đề cập đến vì “ngượng” và thầy cô cũng “ngại”. Ngoài ra, trong các tiết học ấy, cần giáo dục cho các em hiểu về những biện pháp tránh thai như lấy ở đâu, dùng thế nào? Các dấu hiệu có thai sớm; sự nguy hiểm của phá thai không an toàn; khi mang thai cần làm gì để có biện pháp giải quyết an toàn nhất...

Cũng theo TS Hiền, ở nhiều nước, từ khi trẻ học mẫu giáo đã được giáo viên dạy về giới tính. Lên đến bậc trung học, học sinh đã biết khi nào thì nên dùng bao cao su, khi nào nên dùng thuốc tránh thai. Ngoài ra, các nước tiên tiến cũng quản lý việc phá thai rất chặt chẽ chứ không có các phòng khám tràn lan như ở Việt Nam. Hơn nữa, chi phí để phá thai rất cao nên những người trẻ rất sợ phải đi phá thai.
 
Cha mẹ cần vào cuộc sớm

Ở nhiều nước, khi trẻ đến tuổi dậy thì, cha mẹ thường giáo dục cho con rất kỹ. Bởi họ biết rằng, khi con đã lớn, nhu cầu tìm hiểu khám phá cơ thể và quan hệ tình dục (QHTD) là không tránh khỏi. Bởi vậy, thay vì áp đặt, phụ huynh hướng dẫn con cách sử dụng các biện pháp tránh thai như bao cao su, thuốc tránh thai...
anh-minh-hoa.jpg
Cần giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho cả trẻ trai lẫn bé gái từ nhỏ

“Thậm chí, khi con gái đi du lịch một mình hoặc đi chơi với nhóm bạn, mẹ còn mua sẵn hộp bao cao su bỏ vào balô cho con và dặn dò “hãy chủ động bảo vệ mình trước tiên con nhé”, TS Hiền chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong những nguyên nhân khiến trẻ mang thai ngoài ý muốn thì gia đình chiếm phần quan trọng nhất. TS Hiền kể, khi chị tư vấn cho một số trẻ đến phá thai, có em chỉ khóc. Sau một hồi, bé gái ấy mới cho biết bố mẹ đi làm cả ngày, chẳng có thời gian trò chuyện chia sẻ với con. Ăn uống thì bố mẹ phó mặc cho người giúp việc, nếu con có nói gì thì lại đưa cho một nắm tiền xem như bù đắp. Bé gái ấy nhiều lúc chỉ ước có 1 bữa cơm mà gia đình sum họp để trò chuyện nhưng chẳng được. Em chẳng biết chia sẻ với ai, nên khi có bạn trai quan tâm là “đổ” ngay. Đó là chưa kể những trường hợp gia đình lục đục, bố mẹ chia tay khiến con chán nản, tìm chỗ dựa để chia sẻ, trò chuyện từ bạn bè.
 
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, cho rằng, nhiều bậc phụ huynh thiếu gần gũi, quan tâm đến con. Cha mẹ chưa có biện pháp tiếp cận và cung cấp kiến thức, kinh nghiệm về tình dục, sinh sản cho con phù hợp nên hiệu quả thấp. Ở nước ngoài, trong quan niệm giáo dục về tình dục, khái  niệm  “an toàn” đối với họ ngoài vấn đề bệnh tật còn bao gồm cả việc không có thai ngoài ý muốn.

Còn ở Việt Nam, “an toàn” là khi con mình không “quan hệ” gì hết. Thậm chí, thay vì dạy con theo hướng dẫn, nhiều phụ huynh lại “cấm” như “cấm yêu, cấm quen thằng ấy, cấm đi chơi với người khác giới...”. Cha mẹ cũng luôn cho rằng mình là người đi trước, có kinh nghiệm và buộc con phải theo. Có những trường hợp khi con hỏi cha mẹ về vấn đề giới tính, họ lại nói: “Sau này con lập gia đình sẽ biết”. “Chính tư duy cứng nhắc ấy khiến trẻ đã thiếu kiến thức SKSS lại càng muốn khám phá. Đến khi cha mẹ phát hiện con mình có thai thì đã muộn”, TS Nguyễn Duy Ánh cho biết.

Theo TS Phạm Thị Thanh Hiền, ngoài nâng cao kiến thức SKSS cho học sinh nữ thì cũng cần phải chú trọng tới nam giới. Bởi đa phần nam giới là người chủ động trong QHTD và nữ giới là thụ động. Trong một đợt khảo sát mới đây do Trung tâm tổ chức với các em sinh viên thì chỉ 10% hiểu đúng về các biện pháp tránh thai. Vì thế, khi QHTD thì hậu quả sẽ là các bạn nữ gánh chịu. Nếu ý thức được vấn đề này, khi nam giới có ý định QHTD sẽ chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai.

Đặc biệt, phụ huynh cần thay đổi quan niệm. Đừng nghĩ rằng giáo dục giới tính cho con là “vẽ đường cho hươu chạy” mà hãy xem đó là cung cấp kiến thức để bảo vệ con. Phụ huynh nên dành thời gian để trò chuyện, chia sẻ với con, giải thích về những biến đổi của cơ thể khi dậy thì và các biện pháp để bảo vệ an toàn khi QHTD.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn