Trao 45 giải báo chí về văn hóa ứng xử

18:10 | 18/11/2020;
Trong số 45 giải báo chí chủ đề “Văn hóa ứng xử”, phóng viên Trần Hiếu của báo Phụ nữ Việt Nam giành giải Khuyến khích ở loại hình báo điện tử.

Chiều 18/11/2020, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải báo chí về chủ đề Văn hóa ứng xử.

Phát động từ ngày 1/1/2019, BTC Giải đã nhận được 358 tác phẩm ở 5 thể loại báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói và ảnh báo chí của gần 70 tác giả, nhóm tác giả đến từ hơn 60 cơ quan báo chí và cộng tác viên trên toàn quốc. Qua hai vòng Sơ khảo và Chung khảo, BTC đã lựa chọn 37 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất và 8 cơ quan báo chí tích cực tham gia và đạt nhiều giải. Trong đó, phóng viên Trần Hiếu của báo Phụ nữ Việt Nam được trao giải Khuyến khích ở thể loại báo điện tử với bài Người phụ nữ "khùng" bỏ hơn 30 tỉ đồng xây trung tâm từ thiện.

Phóng viên Trần Hiếu của báo Phụ nữ Việt Nam được trao giải Khuyến khích thể loại báo điện tử

Phóng viên Trần Hiếu của báo Phụ nữ Việt Nam được trao giải Khuyến khích thể loại báo điện tử

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Giải báo chí về văn hóa ứng xử được tổ chức, là hoạt động có ý nghĩa trong việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá: Các tác phẩm tham gia Giải đảm bảo tính chân thực, người thật, việc thật, có tính chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị, có tính phát hiện; phương pháp thể hiện sáng tạo, hấp dẫn. Đối tượng phản ánh là những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, những kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong văn hóa ứng xử, trên các lĩnh vực văn hóa ứng xử trong gia đình, trường học, bệnh viện, công sở, nơi công cộng...

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, để có được những tác phẩm báo chí tiêu biểu về các chủ đề trên, phải kể đến công sức lao động không biết mệt mỏi của các anh, chị, em phóng viên, biên tập viên đã bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh sâu sắc, toàn diện những tấm gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, những điển hình tiên tiến để biểu dương, nhân rộng; đấu tranh phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19, báo chí thực sự đã góp phần to lớn tạo sự đồng thuận, sự đoàn kết, ủng hộ của toàn dân, khơi dậy, phát huy tinh thần và truyền thống nhân ái trong toàn xã hội.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng đề nghị: "Để nhân rộng kết quả tốt đẹp của Giải được tổ chức lần đầu và phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thời gian tới, tôi mong rằng các cơ quan báo chí, các nhà báo luôn nhiệt huyết và trách nhiệm, tiếp tục đồng hành với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa của đất nước. Trong những lần tổ chức tới, BTC cũng cần tăng cường công tác truyền thông về giải để các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên thấy được ý nghĩa thiết thực và tham gia đông đảo hơn nữa".

Tại buổi lễ, BTC đã trao 8 giải tập thể, trong đó giải Nhất thuộc về báo Hà Nội mới. Ở giải cá nhân, 5 giải Nhất được trao cho các loạt bài: Văn hóa công sở - Văn hóa người Hà Nội của báo Hà Nội mới (báo in); Vinh danh những người tuyến đầu chống dịch Covid-19 của báo Lao động (báo điện tử); Không biết mình là ai của Đài Truyền hình Việt Nam (báo hình), Nghĩa tình bộ đội Cụ Hồ ở Châu Phi của Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội (báo nói). Thể loại báo ảnh không có giải Nhất.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn