Trao “cần câu” cho hộ nghèo vùng khó

08:30 | 01/06/2020;
Nhằm hỗ trợ các hộ dân tộc thiểu số miền núi và hộ nghèo trên địa bàn xã phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, những năm qua, trạm Khuyến nông Anh Sơn (Nghệ An) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình giúp các hộ nghèo vượt qua khó khăn. Những cách làm hay, mô hình tốt này đang góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM ở các địa phương.

Phát triển giống bưởi chuyên canh trên vùng đất sỏi

Bắt đầu tháng 8/2019, Trạm Khuyến nông Anh Sơn triển khai mô hình trồng bưởi hồng Quang Tiến trên diện tích 3ha tại xã Hội Sơn, xã Phúc Sơn. Các hộ tham gia mô hình là những gia đình khó khăn, có điều kiện về đất đai phát triển kinh tế vườn, có ý chí thoát nghèo từ kinh tế vườn.

Sau khi được lựa chọn tham gia mô hình, các hộ được đi tham quan các mô hình hiệu quả tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Sau đó, địa phương sẽ tổ chức các lớp tập huấn về trồng cây ăn quả có múi để các hộ được tham gia. Từ việc học hỏi các mô hình chuyên canh và được hướng dẫn cách vun trồng, chăm bón, những hộ này sẽ được Trạm khuyến nông huyện cấp cây giống, hỗ trợ phân bón và cán bộ trạm giám sát quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Trao “cần câu” cho hộ nghèo vùng khó - Ảnh 1.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi hồng Quang Tiến. Ảnh T.P

Là hộ được lựa chọn thí điểm mô hình trồng bưởi hồng Quang Tiến hàng hóa, gia đình chị Lương Thị Sửu ở bản Kim Tiến, xã Phúc Sơn đã mạnh dạn trồng 200 gốc bưởi trên diện tích 0,6ha mà trước đây gia đình chị trồng nghệ, gừng kém hiệu quả. Sau gần 2 tháng xuống giống, hiện vườn bưởi của gia đình chị Sửu đang bén rễ, xanh cây, tỷ lệ sống đạt 100%.

"Sau khi được tham gia các mô hình và được tập huấn về quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, gia đình tôi được hỗ trợ 100% cây giống, vật tư, phân bón để thực hiện mô hình trồng bưởi hồng Quang Tiến hàng hóa. Trong quá trình chờ bưởi khép tán, gia đình tôi tận dụng khoảng đất trống giữa các gốc bưởi để trồng xen cây nghệ, gừng, bí đỏ để lấy ngọn theo hình thức "lấy ngắn nuôi dài", chị Sửu vui vẻ trò chuyện.

"Sau khi mô hình trồng bưởi hồng Quang Tiến hàng hóa triển khai có hiệu quả thì chúng tôi sẽ tổ chức nhân rộng mô hình này với các địa phương khác để xây dựng vùng chuyên canh trồng bưởi hàng hóa", chị Nguyễn Thủy Triều, cán bộ Trạm Khuyến nông, người hướng dẫn trực tiếp cho bà con thực hiện mô hình cho biết.

Phát triển một giống lúa trên đất cằn

Năm 2020, được sự hỗ trợ kinh phí và chỉ đạo của UBND huyện Anh Sơn, Trạm Khuyến nông Anh Sơn đã triển khai xây dựng và thực hiện 4 mô hình sản xuất lúa thuần cánh đồng lớn. Tham gia mô hình, 1.715 hộ dân được hỗ trợ 70% giống lúa và phân bón với quy mô 152ha được triển khai tại các xã: Khai Sơn (30ha), Hoa Sơn (30ha), Hội Sơn (30ha) và Đức Sơn (62ha).

Tham gia mô hình, bà con nhân dân được cán bộ Trạm Khuyến nông hướng dẫn, giám sát từ làm đất, gieo mạ, chăm sóc đến ngày thu hoạch nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. 

Mặc dù trong điều kiện đặc thù vùng miền khó khăn như hạn hán kéo dài, sâu bệnh gây hại nhưng những hộ tham gia mô hình đều được cán bộ Trạm Khuyến nông hướng dẫn, giám sát từ làm đất, gieo mạ, chăm sóc đến ngày thu hoạch nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. 

Trao “cần câu” cho hộ nghèo vùng khó - Ảnh 2.

Thăm mô hình nuôi bò sinh sản ở Thọ Sơn (Anh Sơn). Ảnh T.P

Bà Đặng Thị Ngọc, một hộ dân tham gia mô hình cho biết: "Trên thực tế, tâm lý của người dân chúng tôi là vụ hè thu thường mất mùa nên bà con ít đầu tư, chăm sóc. Những năm trước, nhiều hộ gia đình có làm nhưng không mang lại năng suất, thậm chí mất trắng. Tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên năm nay cả mẫu ruộng của gia đình tôi vẫn đạt năng suất cao. Lúa thu hoạch về được các công ty thu mua với giá thành cao nên chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi".

"Với việc áp dụng theo quy trình sản xuất "3 giảm, 3 tăng" (giảm về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng về năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế của cây trồng) nên mô hình cánh đồng lúa một giống đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ngoài hiệu quả của mô hình, chúng tôi cũng liên kết đầu tư  về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Từ đó, bà con nông dân có thể an tâm sản xuất ổn định và không phải lo lắng về đầu ra khi mùa thu hoạch đến", ông Trịnh Xuân Quý, Trưởng trạm khuyến nông huyện Anh Sơn cho biết.

Theo ông Quý, từ những dấu hiệu tích cực mà mô hình cánh đồng lúa một giống mang lại, trong những năm tới huyện Anh Sơn sẽ tiến tới nhân rộng đại trà ra các địa phương khác nhằm giúp nông dân nâng cao về năng suất, chất lượng, tăng thu nhập và thuận tiện trong sản xuất.

Nhằm hỗ trợ các hộ dân tộc thiểu số miền núi và hộ nghèo trên địa bàn xã phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, ngoài việc tạo điều kiện cho các hộ dân có cơ hội tham gia các mô hình phát triển kinh tế trên đất cằn, Trạm Khuyến nông Anh Sơn còn triển khai thực hiện các mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện.

Qua 1 năm triển khai, đã có 5/10 con bò sinh sản, số bê con sinh ra sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng/con. Sau lứa sinh sản đầu tiên, bê con được các hộ bán lại cho các hộ nghèo khác trong xã với giá gốc để các hộ có điều kiện phát triển kinh tế, hỗ trợ nhau xóa đói, giảm nghèo.

Những mô hình mà Trạm Khuyến nông Anh Sơn đã triển khai có sức lan tỏa lớn, không chỉ giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập mà còn góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của huyện, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn