Mô hình nhà lưới của gia đình chị Bàn Thị Thu, tại bản Suối Lìn, xã Vân Hồ là địa chỉ của nhiều chị em phụ nữ trong xã, trong bản đến học tập, làm theo. Chị Thu chia sẻ "Trước đây, gia đình chị cũng chỉ trồng ngô, sắn, lúa, mỗi năm thu vài ba triệu, cuộc sống không đảm bảo".
Năm 2019, chị được tuyên truyền, vận động tham gia dự án giá trị chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGap chất lượng cao của Công ty cổ phần Green Farm và được hỗ trợ chi phí xây dựng nhà lưới để trồng rau sạch với tổng diện tích 614m², hệ thống tưới phun tự động, đảm bảo theo tiêu chuẩn. Sau năm đầu tiên triển khai dự án, chị Thu đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để trồng, chăm sóc các loại rau nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, nhà lưới của gia đình chị Thu đã có đa dạng các sản phẩm như cà chua, cải xoăn, cải bắp, su hào và một số loại rau trái vụ khác. Nhờ áp dụng quy trình Vietgap, toàn bộ sản phẩm của gia đình chị sau khi kiểm nghiệm đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từng là hộ nghèo lâu năm ở bản Pa Cốp, xã Vân Hồ, trước đây, kinh tế của gia đình anh Lầu A Lúa, chỉ phụ thuộc vào ít nương ngô, sắn với thu nhập bấp bênh. Nhờ nguồn vốn Chương trình Hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững, gia đình anh được hỗ trợ 300 giống cây bưởi da xanh và 300 gốc cây cam vinh để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật theo các chương trình tập huấn mà vườn cây ăn quả của gia đình anh Lúa phát triển rất tốt và đã cho thu hoạch, mỗi năm thu về khoảng 100 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập ban đầu, anh có thêm vốn đầu tư mở rộng diện tích và trồng thêm 180 gốc cam canh. Giờ đây, gia đình anh Lúa không những đã thoát nghèo mà còn trở thành một trong những hộ khá giả của bản, của xã.
Anh Lầu A Lúa cho biết: "Cuộc sống gia đình tôi đã trở nên khá giả, làm mô hình trồng cây ăn quả này hơi khó khăn nhưng chịu khó thì nguồn thu lớn hơn các mô hình khác; mọi năm gia đình trồng ngô, sắn, dong riềng thu nhập không ăn thua, đất bạc màu rồi làm mãi cũng chẳng có gì. Từ khi được tuyên truyền, hướng dẫn, vận động chuyển đổi cơ cấu trồng sang trồng cây ăn quả thu nhập gia đình tôi khá hơn mọi năm trước".
Tạo niềm tin cho bà con vươn lên xây dựng cuộc sống
Xã Vân Hồ hiện có 14 bản, tiểu khu thì có đến 9 bản là người dân tộc Mông. Để thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn cây, con giống phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của địa phương, áp dụng quy trình VietGap, hình thành các HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch trải nghiệm. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở xã đã giảm và về đích Nông thôn mới theo đúng lộ trình.
Các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Vân Hồ đã phát huy hiệu quả, tạo động lực, niềm tin cho bà con vươn lên xây dựng cuộc sống
Với phương châm hỗ trợ người dân chiếc "cần câu" thay vì "con cá", các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Vân Hồ đã phát huy hiệu quả, tạo động lực, niềm tin cho bà con vươn lên xây dựng cuộc sống, rút ngắn khoảng cách về đời sống kinh tế và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Đặng Phi Hùng, Chủ tịch UBND xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Việc hỗ trợ sinh kế cho người dân thông qua các chương trình, hiện nay, xã đã thực hiện được rất nhiều mô hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng như mô hình trồng cây trên đất dốc, mô hình chăn nuôi. Qua công tác hỗ trợ thì đến nay đời sống của nhân dân trên địa bàn đã khá hơn, tốt hơn và nơi ở của nhân dân đã được đảm bảo hơn. Từ những chương trình, chính sách hỗ trợ trên xã đã tiếp tục động viên bà con học tập và triển khai theo các mô hình để đạt được hiệu quả hơn. Chúng tôi cũng mong muốn rằng người dân vẫn sẽ tiếp tục được hưởng thụ những chính sách hỗ trợ này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn