Trao đổi oxy ngoài cơ thể giúp bé 3 tháng tuổi thoát ‘án tử’

11:12 | 19/06/2017;
Bé Nguyễn Quốc A. (3 tháng tuổi, Hà Nội) được gia đình đưa đến BV Nhi TƯ trong tình trạng nguy kịch do mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính (ADRS). Các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật trao đổi oxy ngoài mang cơ thể để cứu sống bệnh nhi.
Bệnh nhi A. được gia đình chuyển đến BV Nhi TƯ vào 12h đêm ngày 4/6. Các bác sĩ dự đoán, bệnh nhi có nguy cơ tử vong lên đến 80%. ADRS là một hội chứng bệnh lý trong đó màng phế nang mao mạch của phổi bị tổn thương cấp tính do nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng không đáp ứng với thở máy thông thường cũng như thở máy tần số cao.

be-a.jpgBé A. trong những ngày điều trị bằng kỹ thuật ECMO

Gia đình cho biết, trước khi vào viện 4 ngày, A. ho khò khè, chảy nước mũi. Gia đình cho con uống thuốc ho nhưng không hiệu quả. Khi con sốt cao 39 độ C, gia đình mới đưa tới khám ở BV gần nhà. Tại BV này, cháu bé được thở oxy và điều trị kháng sinh nhưng tình trạng vẫn tiếp tục xấu đi. A. bắt đầu xuất hiện khó thở, tím tái, quấy khóc rất nhiều. Do đó, gia đình quyết định chuyển bé đến BV Nhi TƯ.

Ngày 19/6, TS.BS Tạ Anh Tuấn-Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Nhi TƯ cho biết, khi vào viện, do tình trạng bệnh quá nặng, bé A. được chuyển thẳng đến Khoa. Bé bị viêm phổi, suy hô hấp rất nặng, tiến triển thành ADRS. Bé được điều trị bằng thở máy, kháng sinh theo phác đồ…

Tuy nhiên, sau 10 tiếng thở máy thông thường, tình trạng của cháu bé vẫn nguy kịch. Bệnh nhi được chỉ định hỗ trợ máy thở cao tần, theo dõi trong 6 giờ. Tuy nhiên, diễn biễn sức khỏe của bé vẫn tiếp tục xấu đi nhanh chóng. Phim chụp X-quang phổi cho thấy hình ảnh phổi mờ lan tỏa trắng 2 bên, khí máu có toan hô hấp nặng mất bù, chỉ số oxy tăng cao, lên mức 47.

“Lúc này nếu không kịp thời đưa ra giải pháp can thiệp mạnh hơn, nguy cơ tử vong của bệnh nhi là rất lớn”, BS Nguyễn Trọng Dũng, khoa HSCC cho biết.
cuu-song.jpgBé A. đang bình phục và sắp được xuất viện

Vì thế, các bác sĩ của BV lập tức hội chẩn và quyết định sử dụng kỹ thuật màng trao đổi oxy ngoài cơ thể (ECMO) để cấp cứu người bệnh. Đây là kỹ thuật rất cao trong hồi sức, là cứu cánh cuối cùng của bệnh nhân khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của ekip gồm các bác sĩ phẫu thuật tim mạch và bác sĩ hồi sức, quá trình đặt ECMO diễn ra thuận lợi.

Theo TS Tạ Anh Tuấn, sau 3 ngày chạy ECMO, phim chụp X-quang cho thấy phổi cháu A. sáng dần. Sang ngày tiếp theo, các chỉ số huyết áp, khí máu và nội môi của bệnh nhi trở lại bình thường, cho phép cai ECMO. 3 ngày sau cai ECMO, A. tiếp tục được cai máy thở. Hiện bé vẫn phải thở oxy qua gọng nhưng đã bú mẹ tốt. Dự kiến cháu có thể xuất viện trong thời gian tới.
 
Theo TS Tuấn, nguyên nhân gây hội chứng ARDS được gồm: Nguyên nhân tại phổi, hay gặp nhất là ngạt nước và viêm phổi nặng do vi khuẩn (phế cầu, Haemophilus influenzae ) hoặc do virus (cúm A H5N1, H1N1, SARS…). Nguyên nhân ngoài phổi, là do nhiễm khuẩn nặng hoặc sốc nhiễm khuẩn, truyền máu số lượng lớn đặc biệt là máu toàn phần, bệnh nhân viêm tụy cấp nặng, suy thận cấp, bỏng nặng, nhất là bỏng hô hấp…

“Nguyên nhân dẫn tới hội chứng ADRS ở bé A. là bệnh viêm phổi nặng. Rất may bé được phát hiện bệnh sớm và chỉ định ECMO kịp thời. Nếu phát hiện bệnh muộn hoặc chỉ định ECMO chậm thì khả năng cứu sống bệnh nhi thấp hơn nhiều”, TS Tuấn nhận định.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn