Nhà thiết kế Ngân An
Đầu những năm 1990, thời trang Việt Nam đã có những chuyển biến đáng mừng. Thiết kế Áo dài khi đó ở Hà Nội nổi lên tên tuổi của nhà tạo mẫu Ngân An. Ở lĩnh vực thời trang biểu diễn, những bộ sưu tập Áo dài lấy cảm hứng từ "trang phục dân tộc" của họa sĩ Minh Hạnh và Sĩ Hoàng đã làm dấy lên một trào lưu cách tân Áo dài lần 3.
Ngân An tuy không phải là nhà thiết kế (NTK) có những cách tân Áo dài mới lạ nhưng cuối những năm 1980, đầu 1990, bà đã sớm có được những thành công nhất định với những mẫu thiết kế Áo dài mang phong cách Hà Nội của mình. Năm 1993, bà đoạt Huy chương vàng Áo dài Việt Nam tại Hội chợ quốc tế hàng công nghiệp tổ chức ở Hà Nội. Năm 1995, bà được giới báo chí bầu chọn danh hiệu Bàn tay vàng Việt Nam.
Ngoài việc tiếp tục mở rộng trình diễn Áo dài và trang phục dân tộc tại Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan; Hội nghị thượng đỉnh khối Pháp Ngữ (CC7), NTK Ngân An còn hợp tác với nhà tạo mẫu nổi tiếng Nhật Bản Kansai trong chương trình biểu diễn thời trang hoành tráng tại Hà Nội mang tên "Hello! VIETNAM". Bộ Áo dài gấm trúc xanh do bà thiết kế mà người đẹp Trương Quỳnh Mai mặc tham dự cuộc thi Hoa hậu Quốc tế - Miss International năm 1995 tại Nhật Bản đã đoạt giải "Trang phục dân tộc đẹp nhất", vinh danh chiếc Áo dài Việt Nam trên đấu trường sắc đẹp thế giới.
Nhà thiết kế Minh Hạnh
NTK Minh Hạnh đã dành nhiều thời gian trong sự nghiệp thời trang của mình để tôn vinh Áo dài Việt Nam, bắt đầu từ Áo dài thổ cẩm dự thi tại Nhật Bản giành giải thưởng năm 1997, khởi xướng cho xu hướng cách tân chất liệu Áo dài phụ nữ Việt Nam hiện đại, khơi gợi sự chú ý của giới thời trang vào lĩnh vực vẻ đẹp trong trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam.
Thành công nhất của NTK Minh Hạnh có thể nói là phát triển lĩnh vực Áo dài trình diễn, chị cũng là NTK mở đầu cho xu kết hợp chất liệu và họa tiết trong trang phục các dân tộc Việt Nam (chủ yếu là thổ cẩm các dân tộc miền núi phía Bắc) đưa vào trong Áo dài phụ nữ Việt Nam, nhằm biểu hiện cho vẻ đẹp thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Chị xứng đáng là một trong số những NTK tiên phong và có ảnh hưởng đối với các NTK trẻ trong lĩnh vực cách tân Áo dài nói riêng và thời trang Việt Nam hiện đại nói chung.
Tháng 9/1997, 2 chiếc Áo dài chất liệu thổ cẩm của Minh Hạnh đã đoạt giải thưởng New Designer Award trong cuộc thi thiết kế Makuhari Grand Prix tại Nhật Bản. Từ giải thưởng này, nhà tổ chức đã mời Minh Hạnh, NTK nước ngoài đầu tiên, giới thiệu 100 mẫu thiết kế thời trang trong bộ sưu tập Áo dài Việt Nam "Truyền thống và tương lai" tại đền Kiyomizu-Dera. Sự kiện này đã mở ra xu hướng trình diễn Văn hóa thời trang Áo dài đầu thế kỷ 21.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng
NTK Sĩ Hoàng bắt đầu sự nghiệp vào năm 1989. Từ những mẫu thiết kế Áo dài đơn lẻ cho đến bộ sưu tập Áo dài đầu tiên "Hoa văn dân tộc" đã mở đầu triết lý tạo mẫu của anh: "Đưa nghệ thuật hội họa vào trang phục truyền thống. Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo từ kho tàng văn hóa dân tộc". Sau đó, hàng năm anh liên tiếp cho ra đời các bộ sưu tập thời trang Áo dài của mình.
NTK Sĩ Hoàng bằng những mẫu thiết kế Áo dài của mình đã góp phần xây dựng và truyền bá vẻ đẹp của Văn hóa Áo dài Việt Nam trong nước và ra thế giới. Các bộ sưu tập Áo dài của anh đã nhiều lần được trình diễn trong Lễ hội Áo dài tại Festival Huế, chương trình Duyên dáng Việt Nam và các lễ hội quan trọng của đất nước. Sĩ Hoàng còn trình diễn thời trang Áo dài tại Bỉ (2001), Đức (2003), Thụy Điển (2004), Pháp (2005. Năm 2006, anh tham dự triển lãm Áo dài tại San Jose, Mỹ…
Có thể nói, NTK Sĩ Hoàng đã mở ra một phương hướng cách tân Áo dài phụ nữ Việt Nam mang tính Hội họa, trang trí cao. Mặt khác, anh nỗ lực xây dựng một môi trường Văn hóa Áo dài, gìn giữ và lưu truyền được vẻ đẹp của trang phục dân tộc Việt Nam tới các thế hệ trẻ Việt Nam.
Đầu những năm 2000, sự giao lưu và hợp tác quốc tế của Việt Nam trong mọi lĩnh vực được tăng cường và đẩy mạnh. Ngoài sự xuất hiện đều đặn và ngày một hoàn thiện hơn trong các chương trình lớn như "Duyên dáng Việt Nam", các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu PNVN Qua ảnh…, sự xuất hiện trong một loạt các sự kiện, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật lớn đã khiến trình diễn Áo dài từ một hình thức biểu diễn thời trang gắn liền với ca nhạ dần tách ra và trở nên ngày một chuyên nghiệp hơn.
Trình diễn Áo dài trong các chương trình lễ hội, biểu diễn nghệ thuật lớn
Năm 2000, Festival Huế - một sự kiện văn hóa lớn của Việt Nam, vừa có quy mô quốc gia và có tính quốc tế lần đầu tiên được tổ chức (sau đó được tổ chức 2 năm/lần). Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của trình diễn Áo dài phụ nữ Việt Nam.
Từ Festival Huế 2004 đến Festival Huế 2006, 2008 rồi đỉnh điểm là Festival Huế 2010, biểu diễn thời trang Áo dài đã phát triển thành Lễ hội Áo dài với các chủ đề thay đổi theo mỗi kỳ Festival.
Ngoài Lễ hội Áo dài tại Festival Huế, từ đầu những năm 2000 cho đến nay, Áo dài đã trở thành một chủ thể độc lập trong các buổi biểu diễn lớn khác như: Chương trình biểu diễn thời trang Áo dài ngày 24/3/2005 trong khuôn khổ Lễ hội "Quảng Nam - Hành trình di sản", chương trình "Nhịp điệu Áo dài" tối 1/5/2005 với 800 bộ Áo dài do 16 NTK hàng đầu Việt Nam thực hiện, qua phần trình diễn của 200 người mẫu trên sân khấu lớn trước Nhà hát TP Hồ Chí Minh…
Trình diễn Áo dài trong các chương trình lễ hội, biểu diễn nghệ thuật lớn kể từ năm 2002 và đặc biệt tại Festival Huế đánh dấu bước phát triển của trình diễn Áo dài mang xu hướng nghệ thuật tổng hợp, có tính đại chúng cao (chương trình được tham gia với số lượng lớn các NTK, mẫu thiết kế Áo dài tham dự; Mỗi lần trình diễn Áo dài từ không gian trình diễn, âm thanh, ánh sáng, người mẫu… đều được thống nhất trong một ý đồ trình diễn nghệ thuật xuyên suốt).
Thông qua các cuộc trình diễn này, Áo dài được hệ thống một cách tổng thể (các NTK bắt đầu trình diễn một cách có hệ thống từng thể loại trang phục Áo dài như: Áo dài nam, nữ; Áo dài lễ hội, Áo dài cưới; thời trang Áo dài qua các thời kỳ lịch sử…).
Giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các nước
Kể từ năm 2000, trình diễn Áo dài xuất hiện như trung tâm của các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước, rất nhiều nhà tạo mẫu có tiếng ở Việt Nam mang các bộ sưu tập Áo dài của mình đi tham dự: NTK Minh Hạnh với bộ sưu tập "Trở lại thiên đường" trình diễn tại Nhật Bản năm 2003; Bộ sưu tập thời trang Áo dài "Rồng và Bướm" tại Festival mùa xuân diễn ra ở thủ đô Roma (Italia)...; NTK Sĩ Hoàng giao lưu văn hóa, trình diễn Áo dài tại Bỉ (2002), tại Đức (2003), Thụy Điển (2004), Pháp (2005), triển lãm về Áo dài tại Mỹ (2006) và Trung Quốc (2006), Nhật Bản (2008)…
Trình diễn Áo dài trong các cuộc thi hoa hậu, người mẫu
Kể từ cuộc thi hoa hậu quốc gia lần đầu tiên được tổ chức năm 1988 mang tên "Hoa hậu báo Tiền Phong" (năm 2002 chính thức đổi tên thành "Hoa hậu Việt Nam"). Những năm 2000, sự phát triển của các cuộc thi hoa hậu, người mẫu tại Việt Nam cho đến các cuộc thi hoa hậu tầm cỡ khu vực và thế giới được tổ chức ngày một nhiều ở Việt Nam (cuộc thi Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Hoàn vũ…). Trình diễn Áo dài đã trở thành một phần không thể thiếu.
Sự mở rộng không gian và tính biểu hiện của trình diễn Áo dài
Năm 2010 với sự kiện Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, những kỷ lục về trình diễn Áo dài liên tiếp được ghi nhận: tối 8/6, Lễ hội Áo dài "Vọng thiên niên" tại Festival Huế, quy tụ 17 NTK, 160 người mẫu với 1.000 bộ Áo dài nam, nữ thuộc mọi lứa tuổi.
Chiều 14/9, Hoa hậu thế giới người Việt 2010 Lưu Diễm Hương đã mặc chiếc Áo dài kỷ lục Việt Nam của NTK Lan Hương (Áo dài có độ dài 10m, thêu 1.000 con phượng) mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Tối 4/10, Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy trình diễn bộ Áo dài 9 tà, mỗi tà dài 100m của NTK Võ Việt Chung đã nhận bằng xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam với danh hiệu "Chiếc Áo dài nhiều tà nhất".
Tối 1/10, Lễ hội Áo dài "Sự hội tụ 3 miền" với hàng nghìn bộ Áo dài trong lễ khai mạc Chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tối 3/11, NTK Sĩ Hoàng tham gia với bộ sưu tập thời trang Áo dài trẻ em trong show thời trang "Paris - Hà Nội" đã khép lại những cuộc trình diễn thời trang Áo dài có ý nghĩa nhất năm 2010. Đó cũng là những tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển bề sâu của hình thức biểu diễn trang phục, thời trang đặc biệt này.
Nghiên cứu về 3 trào lưu cách tân Áo dài và các NTK tiêu biểu thế kỷ XX, có thể thấy trên nền tảng phong phú đa dạng của nền văn hóa Việt Nam, Áo dài phụ nữ Việt Nam đã tiếp nhận và chuyển hóa những nét ưu việt của các nền văn hóa khác như thế nào với sự cố gắng không ngừng của các NTK tài hoa. Tất cả những nỗ lực đó gói chọn trong một tà Áo dài mỏng manh mà vẻ đẹp của nó mỗi khi xuất hiện làm rung động bao người chiêm ngưỡng.
Trong tương lai, những cuộc cách tân Áo dài vẫn sẽ tiếp tục, song những gì mà các trào lưu cách tân Áo dài thế kỷ 20 mà các NTK tiêu biểu đã cống hiến cho Áo dài phụ nữ Việt Nam và sự dung hòa quan niệm thẩm mỹ của người Việt thể hiện qua đó sẽ là nền tảng cơ bản, kinh nghiệm bổ ích cho các NTK thời trang Việt Nam sau này.
Trình diễn Áo dài tới giờ đã trở thành một hình thức biểu diễn nghệ thuật tổng hợp, là quá trình tổ chức, phối hợp các nhân tố, các công đoạn nhằm thể hiện ý tưởng của NTK thời trang, nhà sản xuất chương trình biểu diễn.
Trình diễn thời trang Áo dài là một hình thức văn hóa, nghệ thuật đặc biệt, đặc sắc mang tính đặc trưng riêng của Việt Nam. Một trang phục dân tộc được trình diễn với quy mô hoành tráng, với sự đa dạng, phong phú và đặc sắc như vậy, đã khiến cho trình diễn Áo dài vượt qua ý nghĩa của cuộc trình diễn thời trang hay nghệ thuật thông thường để trở thành một khía cạnh biểu trưng cho lịch sử văn hóa, thể hiện nhân sinh quan và tinh thần Việt Nam.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn