1, Một trang web ở Trung Quốc đã thử tiến hành điều tra với câu hỏi “nếu điều kiện thuận lợi thì bạn có lựa chọn sang Mỹ sinh con không?”. Kết quả là 71% trả lời “nhất định đi”, 29% “chưa chắc chắn”, không có ai trả lời “chắc chắn là không”. Mấy năm gần đây, chi phí cho dịch vụ tới Mỹ sinh con đã gia tăng do nhiều yếu tố. 3 năm trước những người sang Mỹ trước 3 tháng để đợi sinh phải nộp khoản chi phí cơ bản 200 nghìn NDT (28 nghìn USD), nay đã tăng lên thành 250 nghìn NDT. Tuy chính phủ của ông Donald Trump thực thi chính sách thắt chặt việc cấp visa nhưng do nguyện vọng của các bà bầu Trung Quốc rất mạnh nên sức hút của các trung tâm làm dịch vụ môi giới sinh con ở Mỹ vẫn không hề suy giảm.
Những người Trung Quốc tới Mỹ sinh con đều nhằm tới việc hưởng phúc lợi của Mỹ. Những đứa trẻ sau khi được sinh ra lại về Trung Quốc sống, nhưng sau này khi lớn lên chúng có thể quay lại Mỹ học tập để được hưởng phúc lợi về giáo dục. Những bà bầu sang Mỹ sinh con không chỉ lợi dụng hưởng lợi từ chính phủ Mỹ, hưởng lợi từ người đóng thuế Mỹ, mà còn chiếm dụng tài nguyên giáo dục.
2, Một scandal chấn động vừa diễn ra với làng golf thế giới khi Thorbjorn Olesen - nhà vô địch của 5 danh hiệu European Tour đã bị bắt giữ vì dính vào bê bối quấy rối tình dục một phụ nữ trên chuyến bay từ Mỹ đến Anh.
Sau khi dự giải WGC-FedEx St. Jude Invitational, tay golf 29 tuổi người Đan Mạch cùng đồng nghiệp Ian Poulter đã chọn ở khoang hạng Nhất và đáp chuyến bay của hãng hàng không British Airways từ Nashville, Tennessee (Mỹ) đến sân bay Heathrow, London (Anh). Olesen không chỉ quấy rối tình dục một hành khách nữ ngồi cùng khoang mà còn cãi vã với các hành khách khác và tiểu tiện ngay trên lối đi của máy bay.
Nếu bị vị khách nữ mình sàm sỡ đâm đơn kiện và bị tòa án xác định có tội, nhà vô địch Ryder Cup 2018 có nguy cơ bị đi tù và danh tiếng bị hủy hoại.
3, Bà Yingluck Shinawatra trở thành Thủ tướng Thái Lan năm 2011 và bị phế truất sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Bà sống lưu vong từ năm 2017 để tránh cáo buộc quản lý cẩu thả trong chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân, làm thất thoát ngân sách hàng tỷ USD. Tháng 9/2017, tòa án tối cao Thái Lan xét xử vắng mặt đối với bà Yingluck. Bà bị tuyên án 5 năm tù và phải bồi thường thiệt hại. Cựu Thủ tướng Thái Lan gọi những cáo buộc nhằm vào bà mang động cơ chính trị.
Mới đây, chính phủ Serbia cấp quyền công dân cho bà Yingluck. Tuy nhiên, ông Chatchom Akapin - Giám đốc Vụ các vấn đề quốc tế thuộc Bộ Tư pháp Thái Lan cho biết, việc Serbia cấp quyền công dân cho cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra sẽ không bảo vệ bà khỏi bị dẫn độ về Thái Lan khi cần thiết. Theo ông Chatchom, dù Thái Lan và Serbia không có hiệp ước dẫn độ, Bangkok vẫn sẽ tiến hành yêu cầu dẫn độ nếu biết nơi ở của "kẻ chạy trốn" và bà Yingluck vẫn sẽ bị trừng phạt vì những tội mà bà đã gây ra, bất kể quốc tịch và nơi ở.