Trao quyền cho lãnh đạo nữ: Chìa khóa phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời đại mới

10:21 | 24/07/2023;
Phát triển bền vững là mục tiêu được mọi quốc gia hướng đến ở thời đại mới. Một trong những trụ cột quan trọng của nó là bình đẳng giới, đang được từng bước cụ thể hóa qua nhiều hành động, bao gồm cả trao quyền cho phụ nữ.

Mới đây, 24 nữ lãnh đạo, quản lý của các trường cao đẳng, đối tác giáo dục nghề nghiệp đã được trang bị và trau dồi những kỹ năng lãnh đạo, cách ứng phó với các rào cản vô hình để phát triển khả năng thông qua khóa học "Thúc đẩy vai trò lãnh đạo nữ trong giáo dục nghề nghiệp và logistics", thuộc chương trình "Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực" (Aus4Skills)...

Đây là một nội dung quan trọng trong hợp phần "Thúc đẩy vai trò phụ nữ trong lãnh đạo", đã được Chính phủ Australia hỗ trợ Việt Nam thông qua chương trình Aus4Skills, nhằm tiếp cận và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững kể từ năm 2016.

Theo đó, các kiến thức chương trình trang bị được trải dài ở nhiều chủ đề, bao gồm bình đẳng giới, hòa nhập người khuyết tật, hòa nhập xã hội và kỹ năng thực hành. Cùng với đó, các học viện cũng bàn luận về nhiều vấn đề nổi cộm, đặc biệt quan trọng với những lãnh đạo nữ như: Phát triển sự nghiệp, cân bằng công việc và cuộc sống; những thử thách và sáng kiến giúp lãnh đạo nữ phát triển trong các lĩnh vực nam giới chiếm ưu thế...

Nhiều ý tưởng đã được giới thiệu tại hội thảo tổng kết, đồng thời ứng dụng trong các dự án tại nhà trường. Tất cả nhằm hướng đến thúc đẩy vai trò của lãnh đạo nữ trong giáo dục nghề nghiệp, nâng cao nhận thức cho sinh viên về định kiến giới và hướng dẫn thực hành bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Trao quyền cho lãnh đạo nữ: Chìa khóa phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời đại mới - Ảnh 1.

Học viên trình bày dự án ứng dụng kiến thức tại khóa học

Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm ngoái, Việt Nam có 1.905 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 410 trường cao đẳng, 437 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. 2022 cũng là năm các trường nghề tuyển được khoảng 2,45 triệu học viên, tăng 500.000 người so với cùng kỳ năm 2021 - con số cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Bà Vũ Thị Hải Vân - Chủ tịch Hội đồng trường Cao đẳng Hàng hải 1 - là 1 trong số 24 học viên của khóa học chia sẻ: "Lãnh đạo là một lối tư duy thúc đẩy các giáo viên nữ dẫn dắt sự thay đổi. Khóa học giúp tôi cải thiện hơn nữa môi trường làm việc cho các nữ đồng nghiệp của mình, nơi họ có thể trao quyền cho chính mình và cả những người phụ nữ khác".

Trong khi đó, tại hội thảo, bà Julie Hart - Bí thư Thứ nhất về Phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam - nhấn mạnh thêm: "Nhiều học viên đã nhận ra sức mạnh của hợp tác và giao lưu trong việc thúc đẩy sự thay đổi tích cực về bình đẳng giới. Bằng việc tạo ra một mạng lưới dành cho phụ nữ trong cơ quan và tổ chức của mình, các lãnh đạo nữ đang tạo ra một môi trường tích cực để thúc đẩy chia sẻ kiến thức, hợp tác, đóng góp cho một xã hội hòa nhập và công bằng".

Thông qua Aus4Skills, Australia đang cùng Việt Nam xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, đồng thời nâng cao năng lực cho các lãnh đạo chuyên môn, giảng viên, nhà quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trao quyền cho lãnh đạo nữ: Chìa khóa phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời đại mới - Ảnh 3.

24 nữ lãnh đạo, quản lý của các trường cao đẳng, đối tác giáo dục nghề nghiệp tham gia khóa học "Thúc đẩy vai trò lãnh đạo nữ trong giáo dục nghề nghiệp và logistics"

Có thể nói, đào tạo nghề ở Việt Nam là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh về mặt số lượng, nhưng chất lượng vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện. Thực tế, theo "Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu" của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố năm 2022, về chất lượng đào tạo nghề, Việt Nam xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines ở khu vực Đông Nam Á và chỉ đứng thứ 80/100 trên thế giới.

Điều này đòi hỏi Chính phủ phải có những động thái kịp thời, một trong số đó là phê duyệt "Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045". Theo đó, Chính phủ hướng tới tái tổ chức mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả và thống nhất đầu mối quản lý ở một số đơn vị.

Cụ thể, đến năm 2030, các trường nghề phải đáp ứng nhu cầu nhân lực của những nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trường nghề của Việt Nam cần có chất lượng đào tạo trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á, một số phải bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới và có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một vài lĩnh vực.

Để đạt được những mục tiêu trên, vai trò của người lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là đặc biệt quan trọng. Tại Việt Nam, không ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp được điều hành bởi các nữ lãnh đạo và dẫn dắt nhiều ngôi trường với số lượng học sinh, sinh viên lên đến hàng nghìn người.

Tuy nhiên, trên thực tế, phụ nữ vẫn phải đối mặt những thách thức hữu hình và vô hình, có thể cản trở khả năng phát triển sự nghiệp của mình mỗi ngày. Vì vậy, Australia và Việt Nam kết hợp tổ chức các khóa đào tạo về việc trao quyền cho phụ nữ được xem là chìa khóa nhằm đẩy lùi định kiến giới và thúc đẩy sự lãnh đạo toàn diện của phụ nữ trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn