Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ tại châu Á WeEmpowerAsia. Hoạt động này do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Liên minh châu Âu (EU) hợp tác cùng Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Giải thưởng WEPs được phát động từ tháng 9/2020 tại nhiều nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương nhằm khích lệ, ghi nhận và tôn vinh các công ty đã vận dụng tốt các Nguyên tắc Trao quyền cho phụ nữ (WEPs) trong việc thực hiện Luật bình giới tại nơi làm việc và lan tỏa sáng kiến này tới công đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ trao giải, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo, đại diện Ban Tổ chức Giải thưởng cho biết, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 kéo theo những khủng hoảng về kinh tế - xã hội đã và đang đe doạ thành tựu trong thu hẹp khoảng cách giới trong suốt những thập kỷ qua. Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (SDG5) vừa là một mục tiêu, vừa là một trong những giải pháp để thực hiện các mục tiêu còn lại và là một trong những nền tảng cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.
Bàn về lợi ích đa chiều của việc vận dụng các Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, bà Tuyết Minh khẳng định: "Thúc đẩy cơ hội việc làm, cống hiến và thăng tiến cho phụ nữ và nam giới trong cộng đồng, nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng sẽ khai thác được tiềm năng, thế mạnh của mỗi giới. Đó chính là sự bổ sung hoàn hảo, là nền tảng để đạt được sự thịnh vượng và phát triển bền vững của mỗi quốc gia và mỗi doanh nghiệp".
Theo bà Minh, các doanh nghiệp, các cá nhân được trao giải là những tấm gương, những hình mẫu, những bài học tốt để khích lệ, truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng. Việc thực hành, vận dụng các Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, thị trường và cộng đồng.
Giải thưởng WEPS được tổ chức nhân kỷ niệm 10 năm ra đời Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ, 25 năm thực hiện Tuyên bố Hành động Bắc Kinh và nhằm thúc đẩy việc triển khai Luật bình đẳng giới trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc vận dụng Các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ. Giải thưởng nhằm ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực của các công ty đã có những sáng kiến, chương trình hành động thu hút sự tham gia cũng như nâng cao vị thế của lao động nữ trong doanh nghiệp và chuỗi cung ứng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng tới bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Giải thường là sự động viên kịp thời và đúng lúc đối với các nữ doanh nhân, tạo động lực cho sự sáng tạo, cống hiến và tạo đà cho sự bứt phá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và để lan tỏa xu hướng kinh doanh bao trùm và nhân văn hướng tới phát triển bền vững và không bỏ ai lại phía sau. Bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, đại diện Ban Tổ chức Giải thưởng cho biết: "Giải thưởng WEPs ghi nhận nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới của lãnh đạo và công ty đối với người lao động, khách hàng, và đối tác của họ, đồng thời truyền cảm hứng cho các công ty và lãnh đạo khác cùng hành động nhằm mang lại tác động rộng lớn hơn".
*Các công ty đoạt giải thưởng WEPs gồm:
1, Công ty Nestle Việt Nam - đoạt 2 giải hạng mục "Bình đẳng giới tại cộng đồng và ngành" và "Bình đẳng giới tại nơi làm việc";
2, Công ty Unilever Việt Nam – đoạt 2 giải hạng mục "Bình đẳng giới tại nơi làm việc" và "Lãnh đạo cam kết bình đẳng giới";
3, Công ty Friesland Campina đoạt 2 giải hạng mục "Bình đẳng giới tại thị trường" và "Bình đẳng giới tại nơi làm việc".
4, Bà Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH đoạt hạng mục giải thưởng "Lãnh đạo cam kết Bình đẳng giới"
5, Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG đoạt hạng mục giải thưởng "Lãnh đạo cam kết Bình đẳng giới";
6, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đoạt hạng mục giải thưởng "Bình đẳng giới tại cộng đồng và ngành";
7, Công ty Cổ phần Sai Gon Food đoạt hạng mục giải thưởng "Bình đẳng giới tại nơi làm việc";
8, Tập đoàn Hiền Lê đoạt hạng mục giải thưởng "Bình đẳng giới tại thị trường";
9, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương đoạt hạng mục "Bình đẳng giới thông qua hành động trong COVID-19".
*Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEPs) là sáng kiến chung của UN Women và UN Global Compact, bao gồm 7 bước mà các doanh nghiệp có thể thực hiện để trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng. Áp dụng các nguyên tắc này, các doanh nghiệp sẽ có thể tạo điều kiện để phụ nữ tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh tế thuộc các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau trong đời sống kinh tế. Ký các tuyên bố, các doanh nghiệp thể hiện cam kết đối với của bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn