Với vai trò là cố vấn của UNSpace4Women Network, một sáng kiến của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Hoạt động Vũ trụ (UNOOSA), Howard đang giúp nhiều phụ nữ mắc "hội chứng kẻ mạo danh" (một người luôn cảm thấy mình kém cỏi, không xứng đáng với thành tích mình đạt được) vượt qua chướng ngại tâm lý.
Cô là 1 trong 56 nữ lãnh đạo và chuyên gia trong ngành công nghiệp vũ trụ từ chương trình cố vấn của Liên hợp quốc nhằm tạo ra môi trường hỗ trợ, nơi nữ giới có thể phát triển trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới và khám phá không gian.
"Đó là việc tạo cho các bé gái một không gian an toàn để khám phá những điều chúng muốn làm. Các bé gái ở tuổi vị thành niên dễ bị thiếu tự tin. Chúng có rất nhiều áp lực để thành công và thường nghĩ mình lép vế so với các bé trai", Howard nói.
Thông qua hội nghị truyền hình mỗi tháng, Howard cung cấp lời khuyên về giáo dục và nghề nghiệp, chẳng hạn như kỹ thuật phỏng vấn, cách viết một bài luận đạt chuẩn và giới thiệu các bé gái với nhiều chuyên gia khác trong lĩnh vực không gian.
Dưới sự hướng dẫn của Howard, Bethany Addo-Smith, 17 tuổi, người Anh và Paulina Texier, một học sinh trung học người Mỹ, đã làm chủ được nỗi sợ khi thực hiện các bài kiểm tra. "Các bé gái có nhiều khó khăn cùng lúc. Chúng khó vượt qua những định kiến hơn các bé trai da trắng, những người không cần phải chứng minh giá trị về chủng tộc và giới tính của mình", Howard giải thích.
Với sự hỗ trợ từ Howard, Addo-Smith đạt điểm cao trong các bài thi và tạm thời được mời học chương trình Vật lý thiên văn và Khoa học địa lý kỹ thuật số tại Đại học Hoàng gia Holloway của London và chương trình Vật lý thiên văn của Đại học Leeds. Trong khi đó, Texier được nhận học bổng Hispanic Scholarship Fund với ước mong trở thành một phi hành gia.
Theo số liệu từ Liên hợp quốc, phụ nữ làm việc trong ngành công nghiệp vũ trụ quốc tế chỉ chiếm 20%-22% lực lượng lao động, tương đương với 30 năm trước. Chỉ 11% phi hành gia là phụ nữ, trong đó chỉ có 2% là người da màu. Cha mẹ và giáo viên thường không khuyến khích trẻ em gái theo đuổi ngành hàng không vũ trụ, đặc biệt là ở các nước nghèo, nơi không có cơ quan vũ trụ quốc gia. Trẻ em gái ở những nơi này cũng không được thúc đẩy theo học ngành kỹ thuật công nghiệp, luật hoặc y khoa.
Theo Howard, để thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực không gian đòi hỏi sự chuyển đổi mô hình để giúp trẻ em gái phát triển các kỹ năng cạnh tranh. "Nếu trẻ em gái không được học những điều này ở trường, các bé sẽ không nghĩ đến làm thế nào để trở thành một nhà vật lý thiên văn".
Tại cuộc họp Space4Women được tổ chức vào cuối tháng 10/2021 ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất), Howard và các chuyên gia đã thảo luận về cách tăng cường vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực không gian, đặc biệt là trong lãnh đạo và hoạch định chính sách. Một đề xuất được đưa ra là chỉ số toàn cầu nên bao gồm phạm vi của các chương trình cố vấn cho phụ nữ cũng như tỷ lệ phụ nữ ở vị trí quản lý cấp cao để đo lường và xếp hạng mức tiến bộ của các quốc gia trong các nghiên cứu và hoạt động Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM).
Theo Howard, điều này có thể tạo động lực cho những cải tiến mang tính hệ thống. "Bạn có thể bắt đầu thúc đẩy sự thay đổi, đồng thời cho các quốc gia làm chưa tốt biết cần tập trung vào điều gì. Nếu nhìn thấy mình ở cuối bảng xếp hạng chỉ số, các quốc gia sẽ muốn hành động", Howard nói.
Trong khi giúp đỡ những phụ nữ trẻ đạt được mục tiêu của mình, Howard vẫn tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình tại Hà Lan. "Tôi đã mơ về việc bay vào vũ trụ từ rất lâu rồi. Tôi không biết mình sẽ đến đó bằng cách nào nhưng tôi biết điều đó sẽ xảy ra vào một ngày không xa", Howard nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn