-Chị có thể điểm lại một số dấu mốc của HopeBox và bản thân chị trên hành trình hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới?
Từ nhỏ tôi đã phải chứng kiến người thân, những người xung quanh bị bạo lực gia đình. Bản thân tôi 13 tuổi đã phải xa nhà lên Hà Nội làm thuê và chịu không ít khó khăn, vất vả, nên khi có cơ hội đi học tại Úc, tôi đã nung nấu ý định phải làm gì đó để cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam tốt đẹp hơn.
HopeBox được thành lập từ tháng 3/2018. Sau một thời gian gây quỹ, tháng 8 năm đó chúng tôi bắt đầu đi vào hoạt động và bán những suất cơm hộp đầu tiên. Khi ấy, chúng tôi chỉ là một dự án rất nhỏ và trong quá trình thử nghiệm. Tới tháng 11/2019, chúng tôi được nhận giấy đăng ký kinh doanh với tư cách pháp nhân là một doanh nghiệp xã hội. Giải pháp HopeBox là trao quyền kinh tế thông qua khả năng cho phụ nữ kiếm được mức lương công bằng, có chỗ ở an toàn và cuối cùng là sống một cuộc sống không bị lạm dụng, cung cấp cho họ phương tiện để nuôi dạy con cái trong môi trường không bạo lực.
Hiện chúng tôi tạo việc làm và thu nhập cho chị em qua công việc nấu ăn và làm bánh. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiến hành đào tạo làm bánh kết hợp với nâng cao năng lực làm việc, kỹ năng sống cho nhóm phụ nữ bị ảnh hưởng bởi bạo lực giới/bạo lực gia đình.
-Trên hành trình hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới của chị, chắc hẳn luôn có những kỷ niệm khó quên?
Đúng vậy, và tôi nhớ nhất là em gái đầu tiên đồng hành cùng HopeBox - một người phụ nữ thông minh nhưng trải qua bạo lực hơn 7 năm trời không thoát nổi, cho tới khi em về làm HopeBox được 6 tháng thì đã tự tin làm thủ tục ly hôn một cách nhẹ nhàng. Dù hành trình sau đó của em còn nhiều khó khăn để chữa lành cho bản thân nhưng em đã trở nên tốt hơn mỗi ngày, tự tin hơn, có kỹ năng hơn và tập trung lo cho bản thân và các con nhiều hơn thay vì như trước đây chỉ nghĩ nhiệm vụ của mình là phải lo cho người khác. Giờ đây, em vẫn là một thành viên chủ chốt quan trọng, một người quản lý chăm chỉ của HopeBox và tôi tin rằng em sẽ còn tiến xa trong lương lai và sự nghiệp của mình.
Với tôi, nhìn thấy các em thay đổi được bản thân, tự tin hơn một chút so với ngày đầu các em vào, thì đó đã là một điều hạnh phúc. Hay có một em từ miền núi xuống, bị khuyết tật nhẹ nhưng mắt rất kém và kỹ năng cũng hạn chế, em vô cùng tự ti thậm chí không biết nấu một bữa trưa. Lần đầu em phải nấu cơm cho cả bếp ăn, rồi tự phán xét bản thân và khóc thút thít vì nghĩ là cơm mình nấu không ngon nên mọi người không ăn nhiều. Ngày hôm sau đó, tôi dạy em mỗi tuần sẽ tập nấu cơm 3 bữa và sau khi mọi người ăn xong có thể hỏi xin ý kiến để cải thiện, một thời gian sau, em đã làm được điều ấy trong sự vui vẻ và tự tin, biết làm thêm các sản phẩm thủ công cho HopeBox bán.
Tôi nghĩ với nhiều người, sự tự tin đơn giản chỉ là nấu được một bữa cơm hay đủ khả năng hỏi ý kiến đồng nghiệp để mình trở nên tốt hơn. Điều đó với họ hay với HopeBox cũng đều ý nghĩa cả, vì xuất phát điểm của mỗi người là khác nhau và tôi tin rằng sự thay đổi nhỏ bé đó cũng đã giúp em xây dựng nội lực cho hành trình sống của mình.
-Chị có thể chia sẻ một số dự định trong thời gian tới để hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới hiệu quả hơn?
Từ tháng 6 đến tháng 10 năm nay, HopeBox phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, mang tới cơ hội học nghề, các kỹ năng sống, kỹ năng làm việc và chăm sóc sức khỏe tâm trí cho 15 phụ nữ từng trải qua bạo lực giới hoặc có nguy cơ bị bạo lực giới. Chương trình hoàn toàn miễn phí, học viên được hỗ trợ chi phí ăn ở, thực tập và tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Chương trình dành cho chị em phụ nữ trong độ tuổi 18-40 ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là chương trình đào tạo kéo dài sáu tháng và sẽ tiếp tục được HopeBox triển khai trong các năm tiếp theo.
Tôi hy vọng thông qua những chương trình này, nhận thức về bạo lực giới được nâng cao hơn, để mọi người hiểu được đây không phải là vấn đề trong gia đình hay ở một địa phương nào, đây là vấn đề của toàn xã hội và xảy ra hàng ngày.
Tôi nghĩ rằng việc thay đổi nhận thức của cộng đồng cần thời gian nhưng tôi tin vào sức mạnh của giáo dục. Vì thế trong tương lai, HopeBox sẽ mở rộng thêm mô hình giáo dục online cung cấp các kiến thức về giới cho các em học sinh, phụ nữ và hi vọng rằng chương trình có thể tiếp cận được tới nhiều cộng đồng yếu thế.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các tổ chức và doanh nghiệp tổ chức sự kiện nâng cao nhận thức của cộng đồng trong vấn đề này. Trong tương lai, hi vọng chúng tôi có thể mở rộng sản xuất ở khu vực phía Nam cũng như nâng cấp trang thiết bị cho cơ sở sản xuất tại Hà Nội, tạo thêm được nhiều công ăn việc làm cho chị em phụ nữ từng trải qua bạo lực giới và đặc biệt sẽ tiếp tục duy trì chương trình đào tạo của chúng tôi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn