Trẻ 10-13 tuổi mang thai và sinh con nguy hiểm như thế nào?

14:22 | 19/05/2019;
Những phụ nữ mang thai trước 18 tuổi, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 10 đến 13 sẽ bị ảnh hưởng về cả thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm, hướng dẫn cũng như cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản cho trẻ để tránh mang thai ngoài ý muốn.

Mới đây, một nữ học sinh lớp 8 tại huyện Bảo Yên (13 tuổi, ở Lào Cai) đã mang thai do giao cấu với thầy giáo. Khi gia đình phát hiện, bé gái đã mang thai ở tuần thứ 12 nên trình báo cơ quan công an. Sau khi xác minh, cơ quan cSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra.

Còn tại hội nghị Sản phụ khoa Việt Pháp, do BV Phụ sản TƯ tổ chức ngày 13-14/5, bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương (BV Phụ sản TƯ) cho biết, trong năm 2017-2018, có tới 227 sản phụ trong độ tuổi vị thành niên (10-18 tuổi) đến sinh đẻ. Trong đó, có cả trẻ mới 10 tuổi nhưng đã mang thai và sinh con tại BV.

Vậy trẻ từ 10-13 tuổi mang thai và sinh con ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe mẹ và thai nhi.

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, phòng khám Sản phụ khoa Thái Hà (Hà Nội) cho biết, những phụ nữ mang thai trước 18 tuổi, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 10-13 sẽ bị ảnh hưởng về cả thể chất lẫn tinh thần.

 

128185_1234.jpg
Các chuyên gia tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ. Ảnh minh họa

Bác sĩ Dung cho biết, nếu trẻ mang thai ở độ tuổi vị thành niên, khi đó cơ thể chưa phát triển hoàn thiện nên dễ dẫn đến các biến chứng do thai nghén như sẩy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ. Hơn nữa, trong độ tuổi đó, cơ thể các em chưa phát triển đầy đủ dẫn đến thiếu máu, thiếu chất. Nhiều em lại lo sợ không dám nói với gia đình, trong khi 3 tháng đầu là thời điểm rất quan trong, người mẹ cần được quan tâm, chăm sóc và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nếu không, thai kém phát triển dễ bị chết lưu hoặc trẻ sinh ra thiếu cân, suy dinh dưỡng, mắc nhiều bệnh tật.

Đặc biệt, khung xương chậu thời điểm này chưa phát triển đầy đủ nên quá trình sinh đẻ của mẹ gặp nhiều khó khăn, phần lớn phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật.

Cũng theo bác sĩ Kim Dung, việc trẻ làm mẹ sớm khiến các em không đủ trưởng thành để nuôi dạy con, ảnh hưởng tới quá trình phát triển của đứa trẻ. Từ đó, các em dễ gặp căng thẳng, khủng hoảng tâm lý, tổn thương tình cảm và thiếu điều kiện tốt trong cuộc sống. Nếu không có sự hỗ trợ và hướng dẫn từ người thân, các cô gái trẻ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, các bác sĩ  khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm, chăm sóc trẻ, nhất là khi trẻ bước vào học THCS. Lúc này, tâm sinh lý của trẻ có nhiều sự thay đổi cần sự chỉ bảo hướng dẫn của cha mẹ. Từ đó, giúp trẻ có kiến thức về giới, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn