Một số người mẹ cho rằng, trẻ cắn móng tay chứng tỏ chúng thiếu vitamin. Tuy nhiên, quan điểm này hoàn toàn sai lầm, có một số nguyên nhân khác gây ra tình trạng này.
Gần đây cô Trần phát hiện đứa con trai 3 tuổi của mình có thói quen cắn móng tay. Cô không rõ thói quen này gây hại gì nên đã hỏi ý kiến một người bạn thì được nói rằng do thiếu vitamin.
Vì thế, cô Trần đã đưa con tới bệnh viện để nhờ bác sĩ kê đơn 1 số loại vitamin bổ sung. Tuy nhiên, bác sĩ nói rằng trẻ cắn móng tay không phải do thiếu vitamin, đây chỉ là một lời đồn đại không có căn cứ khoa học.
Nghe bác sĩ nói như vậy cô Trần cũng hỏi thêm về nguyên nhân khiến trẻ cắn móng tay.
Phần lớn trẻ cắn móng tay không phải do thiếu chất dinh dưỡng mà có liên quan tới những nguyên nhân sau:
1. Thời kỳ trẻ thích khám phá mọi thứ bằng miệng chưa hoàn toàn biến mất
Trong quá trình phát triển, trẻ sẽ trải qua một giai đoạn dùng miệng khám phá thế giới bên ngoài. Và hành vi cắn móng tay của trẻ đôi khi là giai đoạn này chưa hoàn toàn hết hẳn.
Một số trẻ dù bước vào thời kỳ ăn dặm nhưng vẫn còn có thói quen dùng miệng khi thích làm điều gì đó. Cắn móng tay là hành vi nhanh, tiện, khiến trẻ nhanh hài lòng nhất.
Để giải quyết tình trạng này, cha mẹ nên tăng cường tương tác với con cái để trẻ sớm bỏ thói quen này.
2. Trẻ thấy khó chịu khi móng tay dài
Có một nguyên nhân trực tiếp khiến trẻ cắn móng tay là chúng không thể chịu được cảm giác khi móng tay dài ra. Vì thế, chúng sẽ cắn móng tay để giảm bớt sự khó chịu này. Móng tay dài còn có thể cản trở hành động nắm hay vô tình cào vào tay mình hoặc bạn bè, khiến trẻ muốn cắn nó đi.
Cha mẹ cần kiểm tra móng tay của trẻ thường xuyên, nếu thấy dài thì nên giúp trẻ cắt móng tay kịp thời.
3. Trẻ bắt chước hành vi của người lớn
Đôi khi trẻ cắn móng tay là do chúng thấy người lớn thường xuyên làm hành động này nên bắt chước theo. Ví dụ, khi thấy cha mình cắn móng tay hàng ngày, trẻ sẽ cho rằng đây là hành vi bình thường nên vô thức làm theo.
Nếu con bạn rơi vào trường hợp này, cách đơn giản nhất là cha mẹ cần chú ý hơn tới hành vi của mình. Khi cha mẹ phát hiện con mình có thói quen xấu nào, trước hết họ cần kiểm tra mình trước xem có ảnh hưởng tới con cái hay không. Cha mẹ nên làm tấm gương tốt cho con cái noi theo.
4. Trẻ có vấn đề tâm lý
Khi bị áp lực tâm lý, con người thường có một số hành vi khác thường như rung đùi, cắn móng tay. Đây là cách để họ giảm bớt sự căng thẳng và điều này cũng xảy ra với trẻ em.
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ có vấn đề tâm lý chính là thiếu cảm giác an toàn. Vì thế, cha mẹ cần quan tâm tới con mình nhiều hơn, để chúng cảm nhận được sự an toàn và hạnh phúc.
Cha mẹ nên thường xuyên giao tiếp với con cái nhiều hơn, giúp trẻ giải tỏa những căng thẳng, áp lực trong học tập, cuộc sống. Đặc biệt, khi trẻ gặp thất bại chuyện gì đó, cha mẹ nên chú ý động viên để trẻ tự tin đối mặt với khó khăn.
Nếu để trẻ duy trì thói quen cắn móng tay trong thời gian dài, nó có thể gây ra một số ảnh hưởng như sau:
- Móng tay là nơi chứa nhiều bụi bẩn trong quá trình trẻ tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Những mầm bệnh này bám vào móng tay, khi trẻ cắn chẳng khác nào trực tiếp đưa mầm bệnh vào cơ thể, chắc chắn sẽ gây bệnh.
- Gây biến dạng móng tay, ngón tay, lệch răng và một số bệnh răng miệng như viêm nha chu, viêm lợi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn