Chị Trần Thị Thu Hường (Quỳnh Mai, Hà Nội) phát hiện ra con trai mình - Hoàng Huy (14 tuổi) rất mê truyện đam mỹ. Huy chủ yếu đọc truyện đam mỹ trên mạng, rồi sau đó tham gia vào hội nhóm fan của cuốn tiểu thuyết ấy. Có lần lén kiểm tra, chị Hường tá hỏa khi thấy số lượng thành viên hâm mộ tiểu thuyết đam mỹ trong đó có con chị tham gia lên đến gần một trăm ngàn người. Đa số là những cô cậu học trò từ 13 đến 14 tuổi, cũng có cô cậu học sinh mới 12 tuổi đã thường xuyên viết những lời ướt át về những nhân vật trong truyện lên nhóm chung. Chị Hường vô cùng lo lắng không biết có nên ngăn cấm con đọc truyện đam mỹ, hay là khuyên giải.
Cũng như chị Huyền, nhiều phụ huynh khác cũng rơi vào những vướng mắc trên khi con đam mê thần tượng, phim, truyện ngôn tình, thậm chí có những thiếu niên còn lén lút xem phim "người lớn". Nhiều người đã lao vào cấm đoán con khiến cho khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa.
Anh Trần Mạnh Hùng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, sau khi biết con gái mê tiểu thuyết ngôn tình đến mức đắm đuối vào đó, anh nổi giận lôi đình liền cấm con không được đọc nữa. Không những thế anh còn luôn kiểm tra lịch sử truy cập trên máy tính của con xem có đọc truyện không. Hậu quả là cô bé không thể dứt bỏ đam mê, đến lớp mượn điện thoại di động của bạn ngồi đọc trong lớp bị cô giáo phát hiện gọi điện về nhà. Sau khi bị bố mắng một trận, cô bé bắt đầu lảng tránh và luôn có thái độ đầy oán hận bố. Đã mấy tháng trôi qua, anh Hùng có cảm giác như con bé đang xa rời bố mẹ.
Cha mẹ cần đồng hành để con có thể chia sẻ
Thạc sĩ Công tác xã hội Nguyễn Hiền Minh cho biết, việc kiểm soát và cấm đoán trẻ chưa bao giờ được khuyến khích mà ngược lại. Đối với trẻ em 13, 14 tuổi tức là các con đang ở tuổi vị thành niên, vậy nên những biến đổi tâm sinh lý của trẻ lúc này không còn đơn giản như lúc chúng còn nhỏ để bố mẹ quát mắng, cấm đoán hay dọa nạt nhằm kiểm soát trẻ nữa.
Trẻ ở tuổi này có nhiều nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu kết nối và mở rộng mối quan hệ bạn bè, nhất là bạn khác giới và chúng rất coi trọng các mối quan hệ đó. Trẻ thường suy nghĩ rằng mình đã lớn và có nhu cầu được mọi người tôn trọng, muốn thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ và muốn được tự quyết định các vấn đề riêng tư của bản thân... nhưng thường thì cha mẹ không thừa nhận điều đó và luôn cho rằng con mình vẫn còn bé và áp đặt, kiểm soát chúng khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ở giai đoạn này rất khó khăn căng thẳng. Nhiều khi cả hai phía đều cảm thấy khó chia sẻ và có khoảng cách với nhau.
Do vậy để có thể kiểm soát được con một cách khéo léo, cha mẹ cần phải hiểu những nhu cầu và đặc điểm tâm sinh lý của con giai đoạn này. Cha mẹ cần là người đồng hành với con để con có thể chia sẻ với cha mẹ mọi thắc mắc khó khăn trong cuộc sống, học tập và các mối quan hệ bạn bè bằng cách lắng nghe, thấu hiểu và đặc biệt cần có thái độ tôn trọng trẻ.
Với những nhu cầu, sở thích của con, cha mẹ có thể cùng con phân tích những mặt tích cực và tiêu cực để con tự nhận thức chứ không phải cha mẹ cấm đoán hay áp đặt. Sự cấm đoán hay áp đặt thô bạo mà không có giải thích hay phân tích rõ ràng luôn tạo ra tâm lý đối nghịch, tò mò, kích thích tìm hiểu và khám phá, lúc đó trẻ phải lén lút thì nguy cơ sai phạm của trẻ còn cao hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn