Trẻ cong vẹo cột sống do thói quen "cắm mặt vào điện thoại" từ nhỏ

13:59 | 25/07/2019;
Cho trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử từ nhỏ có thể khiến trẻ mắc các vấn đề về mắt, tâm lý... đặc biệt là bị cong vẹo cột sống

Ngày nay, việc trẻ em sử dụng điện thoại thông minh ngay từ khi còn nhỏ đã trở thành một hiện tượng hết sức phổ biến, đến mức người ta phải gọi đó là THẾ HỆ CÚI ĐẦU.

Việc cho trẻ tiếp xúc quá sớm với điện thoại thông minh, máy tính bảng ngoài những hệ lụy về tâm lý thì cũng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh về mắt, bệnh xương khớp, đặc biệt là cong vẹo cột sống.

Cha mẹ cho trẻ xem điện thoại đôi khi để giúp bố mẹ "rảnh tay" một chút, dỗ dành trẻ ăn, dỗ trẻ khóc... Lâu dần khiến trẻ không thể rời xa điện thoại và luôn trong tình trạng cắm mặt vào điện thoại.

1. Nguyên nhân trẻ bị cong vẹo cột sống, gù lưng do sử dụng điện thoại nhiều

Nhiều cha mẹ không hề biết việc cho trẻ sử dụng điện thoại sớm nguy hiểm đến như thế nào. Cứ thế ngày này qua ngày khác các con nghiền ngẫm điện thoại khiến cho tỉ lệ gù lưng ở trẻ em gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là trong học sinh và thanh thiếu niên.

Bạn hãy hình dung khi trẻ ngồi cúi gằm đầu xuống nhìn điện thoại trong hàng giờ đồng hồ sẽ bị tác động xấu ra sao tới xương cổ và cột sống? Chắc chắn bọn trẻ sẽ phải kêu than, khổ sở vì nỗi đau lưng, cổ, vai và thậm chí cả đầu. Nếu nghiêm trọng hơn, xương của các con còn có nguy cơ bị thoái hóa vĩnh viễn.

Xét trên phương diện tâm lý của trẻ, tình trạng này còn có thể khiến con bị lo âu và trầm cảm nghiêm trọng. Trong khi đó, tinh thần của cha mẹ lại hồi hộp, bất an trước nỗi lo sợ con tiếp xúc với văn hóa phẩm đồi trụy và những người lạ không quen biết trên cộng đồng mạng.

Cuộc khảo sát gần đây của ComRes cho Channel 4 News còn chỉ ra rằng trẻ em đang dành trung bình đến gần 3 giờ một ngày ngồi trước màn hình chơi game, xem video từ YouTube và khắp các mạng xã hội.

Cổ của các bé có tác dụng nâng đỡ và gánh chịu toàn bộ sức nặng của phần đầu, cho nên, chỉ cần nghiêng sai tư thế thì cổ của trẻ sẽ phải gánh thêm trọng lượng tương đương với hẳn 4 cái đầu nữa. Khi bị nghiện điện thoại, trẻ còn cúi đầu quá lâu, tạo góc hẳn 60 độ khiến cột sống hứng chịu một trọng lượng gấp hẳn 5 lần bình thường (tương đương khoảng 27kg).

2. Dấu hiệu cong vẹo cột sống ở trẻ do thói quen sử dụng điện thoại

Thói quen này nếu duy trì trong một thời gian dài dễ dẫn đến việc cổ chỉ trẻ chịu trọng lượng lớn đến. Khi cột sống cổ của trẻ bị tổn thương, bé có thể cảm thấy:

- Thường xuyên đau mỏi vai gáy, đau đầu và co cứng cơ vùng lưng và vai gáy.

- Khi đám rối thần kinh ở cánh tay bị chèn ép, sẽ gây tê bì và đau từ cổ qua vai rồi xuống tay cho bé.

- Nghiêm trọng hơn bé còn bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống cổ và chèn ép tủy cổ gây liệt chân, tay. Thậm chí, nguy hiểm hơn còn gây rối loạn chức năng hô hấp.

- Trẻ sẽ có nguy cơ bị tổn thương cột sống cổ vĩnh viễn, đau nhức suốt đời nếu như dùng điện thoại sớm, sai tư thế cổ quá nhiều.

Trẻ em rất dễ mắc các bệnh về cột sống do chưa ý thức được việc phải ngồi đúng tư thế, do vậy cha mẹ cần dạy trẻ và nhắc nhở trẻ điều chỉnh đúng tư thế nhằm hình thành tư duy bảo vệ cột sống ngay từ khi còn bé. 

Mặc dù là căn bệnh dễ mắc phải nhưng bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu như cha mẹ nhận biết sớm và tích cực điều trị cho trẻ. 

Để phòng tránh cong vẹo cột sống ở trẻ, cha mẹ nên chú ý theo sát con để nắm được các thói quen sinh hoạt, tư thế ngồi học của trẻ, tư thế ngồi ăn cơm hoặc vui chơi... Nếu thấy trẻ hoạt động sai tư thế, cần nhắc nhở và dạy các con tư thế đúng. Quan trọng nhất là nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử khi còn nhỏ, phòng tránh cận thị và cong vẹo cột sống.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn