Trẻ đau bụng, đừng tự cho uống thuốc giảm đau

09:00 | 30/03/2017;
Trẻ hay bị đau bụng, nếu chỉ vì rối loạn tiêu hóa thông thường do thay đổi thói quen ăn uống thì uống nước gừng và xoa dầu sẽ hết. Còn nếu do nguyên nhân khác thì cần đưa đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Viêm ruột thừa: Bé đau bụng đột ngột, dữ dội, lúc đầu đau ở vùng trên rốn, về sau lan xuống vùng quanh rốn và cuối cùng khu trú ở vùng bụng dưới bên phải. Kèm theo là buồn nôn, nôn mửa, đôi khi tiêu chảy. Lúc đầu không sốt, về sau có sốt nhẹ. Bệnh diễn tiến rất nhanh, chỉ trong một buổi là chuyển từ viêm sang mưng mủ.
tr.jpg
Nếu conđau bụng không rõ nguyên nhân, cha mẹ cần đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Ảnh minh họa: internet
Nếu không được chẩn đoán và mổ kịp thời, viêm ruột thừa sẽ dẫn đến một trong các biến chứng như viêm phúc mạc, do ruột thừa mưng mủ rồi vỡ. Khi này, bé có biểu hiện đau toàn vùng bụng, khi ấn tay vào thành bụng thấy cứng như gỗ và bé rên la. Nếu không mổ cắt ruột thừa, dẫn lưu mủ, lau sạch bụng dễ dẫn tới nhiễm trùng máu, rất dễ tử vong.

Viêm ruột thừa được chẩn đoán muộn còn dễ dẫn đến đám quánh ruột thừa. Lúc này, sờ vùng bụng dưới của bé thấy một khối u to, ruột thừa cũng mưng mủ, vỡ và viêm phúc mạc.

Tắc ruột: Bệnh do mất sự thông suốt ở đường tiêu hóa, những thức ăn trong ruột bị nghẽn lại, không di chuyển đến hết đường tiêu hóa. Biểu hiện là bé đau bụng từng cơn dữ dội, mỗi cơn đau kéo dài 15-20 phút. Nôn mửa, không trung, đại tiện được. Nguyên nhân của bệnh thường do bã thức ăn, do búi giun và cần xử trí cấp cứu.

Lồng ruột: Hiện tượng này xảy ra khi 2 đoạn ruột chui vào nhau gây tắc ruột. Thường gặp ở bé bụ bẫm, mập mạp, trẻ trai nhiều hơn trẻ gái, lứa tuổi nhũ nhi và ăn dặm. Khi bị lồng ruột, bé đau bụng dữ dội, từng cơn, khóc thét, cơn đau ngắn hơn tắc ruột, kéo dài chỉ vài phút. Ngoài cơn đau, bé ngất lịm, bỏ bú. Bé cũng nôn ói như tắc ruột nhưng đi cầu ra đờm lẫn máu. Sờ bụng sẽ cảm nhận được búi ruột lồng giống như khúc dồi, hay gặp ở vùng bụng dưới bên phải.

Ngoài ra, trẻ cũng dễ bị đau bụng do viêm ruột hoại tử, viêm tụy cấp, ngộ độc thức ăn. Khi này, trẻ thường đau bụng quanh rốn, dưới rốn, đau từng cơn, vật vã, lăn lộn. Đi cầu ra phân đen sệt, nhiều, rất tanh; sau đó phân lỏng và tanh như máu cá. Trẻ bị sốt, nôn ra nước màu nâu đen. Còn viêm tuỵ cấp thường xảy ra sau bữa ăn nhiều dầu mỡ. Bé đau bụng đột ngột vùng thượng vị hoặc đau lan khắp bụng, ngồi dậy thì bớt đau. Nôn ói rất nhiều, đôi khi có lẫn dịch mật trong chất nôn. Sau nôn thì đau bụng nhiều hơn.

Nếu trẻ có các biểu hiện trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, không được cho trẻ uống thuốc giảm đau, không được cho dùng kháng sinh, có như vậy mới giúp bác sĩ dễ chẩn đoán và can thiệp đúng, cứu được trẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn