Trẻ em béo phì do nghỉ dịch Covid-19 gia tăng: 2 lưu ý dành cho cha mẹ

13:58 | 22/07/2021;
Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho học sinh phải nghỉ học ở nhà kéo dài, đây là nguy cơ dẫn đến nhiều trẻ em béo phì do chế độ ăn nhiều đạm, chất béo và ít chất xơ, ít hoạt động thể chất. Béo phì gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe cho trẻ, cha mẹ cần điều chỉnh 2 vấn đề này.

1. Tỉ lệ trẻ em béo phì gia tăng trong kỳ nghỉ covid-19

Tại Hội nghị công bố kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng 2019-2020 của Bộ Y tế cho thấy số trẻ thừa cân, béo phì tại Việt Nam tăng hơn 2 lần chỉ trong 10 năm qua, con số này cao nhất tại khu vực thành thị, các thành phố lớn tập trung đông dân cư.

Báo động trẻ em bị béo phì do nghỉ học kéo dài vì Covid-19 gây hậu quả nghiêm trọng - Ảnh 1.

Trẻ nhỏ có xu hướng tăng cân vì thời gian nghỉ học tại nhà do dịch Covid-19 - Ảnh: Bộ Y Tế

Theo. PGS.TS. Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa dinh dưỡng và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nguyên nhân thừa chân, béo phì tại trẻ em chính là do mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Điều này, xuất phát từ suy nghĩ của ông bà, cha mẹ khi muốn con của mình lúc nào cũng bụ bẫm, phát triển nhanh, do đó trẻ sẽ bị ép ăn rất nhiều từ nhỏ dẫn tới cân nặng tăng dần. Khi bước vào giai đoạn thừa cân béo phì thì trẻ lại càng thèm ăn hơn.

Đọc thêm:

Béo phì ảnh hưởng tới khả năng miễn dịch của vaccine COVID-19 như thế nào?

Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19

Tỉ lệ trẻ thừa cân, trẻ béo phì đã xuất hiện từ tuổi mầm non, tiếp tục tăng cân ở tuổi tiểu học và có thể bị béo phì ngay ở bậc tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông… Nhất là trong mùa dịch Covid-19 này, trẻ không được vui chơi, ăn nhiều hơn, ngủ nhiều hơn Đến khi trẻ có dấu hiệu tăng cân nhanh chóng dẫn đến nhiều nguy cơ đáng ngại.

Thứ nhất, các chuyên gia cho rằng trẻ thừa cân nhưng có thể vẫn thiếu chất, và giảm miễn dịch, khả năng chống chọi bệnh tật sẽ thấp hơn trẻ bình thường.

Thứ hai, trẻ em đã béo phì sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ vì xấu hổ về ngoại hình, dẫn đến kết quả học tập đi xuống, xa lánh với bạn bè, gia đình

Thứ ba, quan trọng nhất trẻ béo phì gây những hậu quả xấu đến sức khỏe như rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ, đái tháo đường… các bệnh liên quan tới cơ - xương - khớp.

PGS Nhung chia sẻ thêm: “nhiều em ở giai đoạn mầm non đã thừa 3-5 kg, nhưng khi đến giai đoạn trung học cơ sở đã lên tới 20kg nhưng ông bà, cha mẹ vẫn không nhận định được vấn đề mà còn tiếp tục khuyến khích trẻ ăn nhiều hơn nữa”.

2. Tập luyện như thế nào trong mùa dịch

Theo ý kiến của Ths.Bs. Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng- Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng dịch bệnh đã làm xáo trộn ít nhiều lối sống của nhiều gia đình, đặc biệt là trẻ em khi có thời gian ngồi xem tivi, chơi điện tử và ngủ nhiều. Hơn nữa tại các gia đình trong thành phố thường dự trữ đồ ăn trong tủ lạnh tạo điều kiện cho các cháu ăn vặt, ăn đồ ăn nhanh như kẹo ngọt, bim bim, xúc xích, nước ngọt …

Báo động trẻ em bị béo phì do nghỉ học kéo dài vì Covid-19 gây hậu quả nghiêm trọng - Ảnh 2.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, tăng cường thể chất là giải pháp hữu hiệu và bền vững phòng thừa cân béo phì. - Ảnh: Internet

Theo nhiều chuyên gia, các phương pháp hướng dẫn trẻ tập thể dục ít nhất 60 phút/ngày giúp trẻ tiêu hao năng lượng dư thừa, giảm tích tụ chất béo.

Các hoạt động thể lực cần phù hợp theo lứa tuổi, cố gắng duy trì đều đặn mỗi ngày giúp cho tinh thần vui vẻ và sảng khoái.

Ngoài ra, bố mẹ có thể khuyến khích trẻ tham gia công việc nhà: quét nhà, giặt quần áo, rửa bát … hoặc hướng dẫn cho trẻ tập các bộ môn thể dục tại nhà như chống đẩy, tập xà đơn, lắc vòng.

Bs Tiến nhấn mạnh việc tập thể dục đều đặn thế này sẽ tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể. Trẻ em có điều kiện phát triển trí tuệ, nâng cao thể chất cũng như hạn chế mắc các bệnh mãn tính như: tim mạch, huyết áp, tiểu đường.

Bs Tiến cũng lưu ý thêm, khi hoạt động thể lực không nên quá sức. Nếu sau 5-10 phút thể dục, cơ thể của trẻ rơi vào trạng thái mệt mỏi nên dừng lại ngay và chọn các bài tập nhẹ hơn, sau đó tăng dần theo sự thích nghi của trẻ. Tuyệt nhiên trước khi tập, không để trẻ ăn no, không uống nhiều nước cũng như phải khởi động cơ thể từ 5-10 phút.

3. Chế độ ăn uống cho trẻ trong mùa dịch

Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau bằng cách trộn lẫn rau cùng 1 ít thịt nạc, đây là lựa chọn nhanh chóng và ngon miệng khác hẳn với việc bắt trẻ ăn nguyên rau luộc. Cố gắng chọn các loại rau có hình dạng, màu sắc, hương vị khác nhau, trẻ sẽ kích thích trí tò mò và muốn khám phá toàn bộ hương vị của rau xanh.

Báo động trẻ em bị béo phì do nghỉ học kéo dài vì Covid-19 gây hậu quả nghiêm trọng - Ảnh 3.

Chế độ ăn uống cho trẻ trong mùa dịch - Ảnh: Internet

Hạn chế dần dần cho trẻ uống nước có ga và các loại nước nhiều đường, việc này cần có lộ trình rõ ràng, không nên dừng đột ngột tránh để trẻ bị có cảm xúc hoang mang, tiêu cực.

Có thể giảm số lượng nước ngọt uống trong ngày (ví dụ 2-3 lon xuống 1 lon/ngày). Duy trì từ 1-2 tuần sau đó sẽ giảm tiếp, cuối cùng là không uống nước có ga nữa. Cha mẹ nên ép các loại nước trái cây có vị thơm để thay thế nước ngọt có ga.

Hạn chế ăn mỡ, nội tạng động vật và da động vật, những bộ phận này cực kỳ nhiều chất béo. Loại bỏ đồ ngọt dự trữ trong nhà, trong tủ lạnh như xúc xích, mì tôm, bánh kem,… sẽ giúp trẻ em béo phì giảm một cách đáng kể.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn