Trẻ em càng ít kỹ năng giao tiếp, ít chia sẻ thì càng dễ bị bạo lực giới

19:24 | 19/08/2024;
Trẻ em và thanh thiếu niên rất dễ bị bạo lực giới. Trẻ càng ít kỹ năng giao tiếp, ít chia sẻ thì nguy cơ bị bạo lực giới càng cao.

Đây là chia sẻ của TS Nguyễn Hiệp Trí, Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tại Hội thảo "Giới và vấn đề bình đẳng giới liên quan đến công tác phòng chống bạo lực gia đình với đối tượng bị tác động trực tiếp là trẻ em và thanh thiếu niên".

Hội thảo được Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội LHPN quận 11 (TPHCM) tổ chức ngày 19/8.

Điểm lại một số vụ việc trẻ bị bạo lực tinh thần, xâm hại tình dục xảy ra trong thời gian qua, TS Nguyễn Hiệp Trí cho biết, trẻ em và thanh thiếu niên không chỉ có nguy cơ bị bạo lực giới trong gia đình, trường học mà còn ở những nơi công cộng.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, trẻ nhận được rất nhiều thông tin từ bạn bè, mạng xã hội… nên rất dễ có những ứng xử tiêu cực vì còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng sống. Chính điều này có thể sẽ khiến cho trẻ có những suy nghĩ lệch lạc về nhân cách, tâm lý, tình dục… 

Do vậy, theo ông Trí, cha mẹ cần đồng hành với con; chia sẻ với con những thông tin, kiến thức cơ bản về giới, giới tính. Các cơ quan, tổ chức cần quan tâm hơn nữa đến trẻ em, nhất là đối với nhóm trẻ em yếu thế, trẻ em bị khuyết tật.

Trẻ em càng ít kỹ năng giao tiếp, ít chia sẻ thì càng dễ bị bạo lực giới- Ảnh 1.

Hội thảo "Giới và vấn đề bình đẳng giới liên quan đến công tác phòng chống bạo lực gia đình với đối tượng bị tác động trực tiếp là trẻ em và thanh thiếu niên".

Ông Nguyễn Lữ Gia - Đại diện Tổ chức cứu trợ trẻ em (SCI) đánh giá, các vụ việc bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng nhưng rất khó xử lý bởi đa phần "thủ phạm" đều là những người thân trong gia đình. Do vậy gây khó cho nạn nhân trong việc tố giác, tố cáo. Tuy nhiên, theo ông Gia, nếu vì khó khăn này mà bỏ qua, không quyết liệt thì tình trạng bạo lực giới, bạo lực gia đình sẽ tiếp tục xảy ra.

Đại diện Hội LHPN quận 11 cho biết, bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em không chỉ là vấn đề riêng của một gia đình mà còn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Với chức năng, nhiệm vụ của Hội, trong thời gian qua, Hội LHPN quận 11 đã chủ động phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Trong đó, Hội LHPN quận chủ động phối hợp với các đơn vị trên địa Thành phố và quận xây dựng và triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục nâng cao kiến thức pháp luật với các mô hình hiệu quả như mô hình phiên tòa giả định, ngày phụ nữ và pháp luật, tư vấn cộng đồng…

Trẻ em càng ít kỹ năng giao tiếp, ít chia sẻ thì càng dễ bị bạo lực giới- Ảnh 2.

Đại biểu chia sẻ tại Hội thảo

Bà Tô Thị Kim Hoa - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM cho rằng, hiện nay, trẻ em và thanh thiếu niên bị bạo lực với nhiều cách thức khác nhau, có nhiều vấn đề. Trong đó, ở gia đình nghèo thì có tình trạng trẻ bị người thân đẩy ra đường đi bán vé số; có gia đình dù điều kiện kinh tế khá giả nhưng lại không chăm lo, quan tâm, chia sẻ với con.

Theo bà Hoa, nên chăng cần thực hiện khảo sát kỹ hơn để nhận thấy rõ hơn nữa tình trạng bạo lực ở trong từng gia đình trong từng tổ dân phố để có thể có phương án, giải pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp cho từng trường hợp. "Có thể chọn địa bàn khó để làm trước, giải quyết từng trường hợp, ở từng gia đình; các tổ chức, đơn vị phối hợp với nhau để thực hiện, giải quyết bạo lực giới", bà Hoa nhấn mạnh.

Bà Đoàn Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN quận 11 (TPHCM) cho biết, những nội dung tại hội thảo góp phần giúp các chị phụ nữ, các ban ngành đoàn thể là thành viên Ban vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới quận và cơ sở, các hộ gia đình nói riêng và người dân nói chung về các giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng và sự tác động của vấn đề bạo lực gia đình trên cơ sở giới đối với sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên.  

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn