Trẻ em dân tộc thiểu số được xoa dịu nỗi đau nhờ mẹ đỡ đầu

23:14 | 27/07/2023;
Trước trực trạng nhiểu trẻ em dân tộc thiểu số xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai bị mồ côi do vấn nạn tự tử từ cha mẹ, sự chăm lo của mẹ đỡ đầu đã góp phần xoa dịu nỗi đau của các em.

Tại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, tình trạng người dân tộc thiểu số (DTTS) tự tử vẫn còn diễn ra thường xuyên, khiến nhiều trẻ em bị đẩy vào cảnh mồ côi. Chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã nỗ lực chung tay nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau của các em. Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với chị Trần Thị Huyền Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai về vấn đề này.

PV: Thưa chị, xã Pờ Tó đã có những hành động cụ thể nào để hưởng ứng và lan tỏa Chương trình "Mẹ đỡ đầu" của Hội LHPN Việt Nam?

Chị Trần Thị Huyền Trang: Pờ Tó là xã đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng 3 của huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai với 7 làng, 1.870 hộ, 8.543 khẩu. Trong đó, người DTTS khoảng 1.018 hộ với 5.149 khẩu, chiếm trên 60% dân số toàn xã.

Người đồng bào DTTS nói chung và chị em phụ nữ nói riêng trong xã vẫn còn suy nghĩ lạc hậu, chưa có ý thức để thay đổi cách nghĩ, cách làm. Đặc biệt, vấn nạn tự tử vẫn còn xảy ra thường xuyên khiến nhiều trẻ em bị đẩy vào cảnh mồ côi cha mẹ chỉ trong phút chốc.

Ngay sau khi huyện hội triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu", với cương vị của mình, Hội LHPN xã đã xây dựng kế hoạch triển khai vận động 100% Chi hội cùng cán bộ, hội viên tích cực tham gia, hưởng ứng chương trình bằng nhiều công trình, phần việc cụ thể, thiết thực nhằm chăm lo, hỗ trợ cho trẻ em mồ côi trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo các Chi hội tiến hành rà soát trẻ em mồ côi trên địa bàn xã, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể của từng em để có phương án phù hợp.

Sau 2 năm triển khai chương trình tại địa phương, đến nay, Hội LHPN xã Pờ Tó đã nhận giúp đỡ 2 em nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ trên địa bàn xã do vấn nạn tự tử của người DTTS.

Trẻ em dân tộc thiểu số được xoa dịu nỗi đau nhờ mẹ đỡ đầu - Ảnh 1.

Mẹ đỡ đầu - Chủ tịch Hội LHPN xã Pờ Tó Trần Thị Huyền Trang và bé Đinh Cương

PV: Được biết, bản thân chị cũng là mẹ đỡ đầu trẻ mồ côi. Điều gì đã thôi thúc chị làm việc đó? Chị có thể chia sẻ cảm xúc và ấn tượng của mình về con đỡ đầu của mình?

Chị Trần Thị Huyền Trang: Trong số trẻ mồ côi ở địa phương, em Đinh Cương (thôn 5, tức thôn Kliếc B cũ) là học sinh lớp 6, trường THCS Lương Thế Vinh, xã Pờ Tó đã để lại cho tôi quá nhiềm kỷ niệm và cảm xúc không thể quên được.

Bản thân tôi từng chứng kiến cuộc sống rất đau buồn của gia đình em: Bố mẹ em sinh được 4 người con, Đinh Cương là con út (sinh năm 2010). Trong số 4 anh chị em, chỉ có một mình Đinh Cương được đến trường.

Ngày bố mẹ còn sống, hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, chỉ có một mình mẹ lam lũ đi làm nương rẫy, làm thuê để nuôi các em. Cha các em ngày nối ngày chìm trong cơn say rượu rồi về đánh đập mẹ. Từ bé xíu, các em đã thường xuyên phải chứng kiến cảnh đau lòng này.

Một ngày định mệnh năm 2018, khi không còn chịu đựng được nữa, mẹ em đã tự tử. Mẹ ra đi để lại đàn con thơ với người cha ngày đêm say xỉn. Các em mất đi tình yêu thương, chăm sóc, bảo vệ của mẹ trở nên lạc lõng, bơ vơ. Sau khi mẹ chết được 2 ngày, cha em cũng đã tự tử theo mẹ. Bố mẹ mất, 4 chị em Đinh Cương ở với ông, bà ngoại tuổi đã cao. Ông bà và các cháu dựa vào nhau, tự nuôi nhau qua ngày. Ôn bà già yếu, mất sức lao động, không có thu nhập nên cả nhà bữa đói, bữa no, có đận đứt bữa, rau cháo cầm hơi; 4 anh chị em Đinh Cương phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống.

Trẻ em dân tộc thiểu số được xoa dịu nỗi đau nhờ mẹ đỡ đầu - Ảnh 2.

Mẹ đỡ đầu Trần Huyền Trang thường xuyên qua nhà thăm hỏi, động viên con đỡ đầu Đinh Cương

Vào một buổi trưa, tôi đến nhà em Đinh Cương để thăm hỏi, nắm bắt thêm hoàn cảnh gia đình. Trước mắt tôi là một căn nhà chỉ vỏn vẹn chưa đầy 20m2, trong nhà không có tài sản gì đáng giá ngoài một số đồ dùng cá nhân của gia đình. Chúng tôi bắt gặp hình ảnh cậu bé Đinh Cương gầy gò, nhỏ xíu, đen thui, đầu không đội mũ, chân không đi dép đi chăn bò thuê dưới cái nắng 390C mới về đến nhà. Lúc ấy, tôi có cảm giác quặn thắt ở lồng ngực. Ở lứa tuổi của Đinh Cương, các bạn cùng trang lứa có đủ cha mẹ, được đến trường, cuộc sống đủ đầy, vui chơi thỏa thích, còn em đã phải tự kiếm sống để cùng phụ với ông bà, các anh chị. Nhìn bữa ăn chỉ có cơm với canh lá mì, không ai có thể cầm lòng.

Nhân dịp vào năm học mới, tôi lại đến thăm và mua cho em vở, bút, một số đồ dùng học tập cùng chiếc cặp sách mới. Ánh mắt em vô cùng thích thú và mừng rỡ và thốt lên: "Con chưa bao giờ có cặp sách đẹp như này!". Tìm hiểu qua các thầy cô cho biết, em Đinh Cương rất thích học, ham học hỏi nhưng vì hoàn cảnh em quá khó khăn nên em không còn muốn đến trường khiến tôi càng ưu tư, trăn trở.

Với bản năng của người mẹ, tôi xót xa với hoàn cảnh em Đinh Cương và muốn làm gì đó để em tiếp tục đến trường, để thấy em hồn nhiên, vui tươi như bè bạn. Chính vì lẽ đó, tôi đã xin ý kiến các chị trong Ban chấp hành Hội LHPN xã, với sự thống nhất cao trong tập thể, tôi xây dựng kế hoạch báo cáo Đảng ủy xã và quyết định nhận làm mẹ đỡ đầu em Đinh Cương. Bằng việc làm nhỏ bé của mình, tôi những mong có thể xoa dịu và bù đắp phần nào nỗi đau, mất mát và thiệt thòi của em.

PV: Sau khi có mẹ đỡ đầu, cuộc sống của em Đinh Cương và gia đình có sự thay đổi gì?

Chị Trần Thị Huyền Trang: Chúng tôi cảm nhận, từ khi có mẹ đỡ đầu và sự quan tâm của Hội LHPN xã, không khí và cuộc sống của gia đình em Đinh Cương ấm áp hơn. Năm 2020, sau khi Đinh Thuyn lập gia đình, thương ông bà ngoại nhiều tuổi không thể lo cho Đinh Cương nên Đinh Thuyn đã xin cho em Đinh Cương về ở với vợ chồng mình.

Trẻ em dân tộc thiểu số được xoa dịu nỗi đau nhờ mẹ đỡ đầu - Ảnh 3.

Từ ngày có mẹ đỡ đầu, Đinh Cương được yêu thương, che chở và tiếp thêm động lực phấn đấu học tập

Hiện nay, hàng tháng, tôi cùng các chị trong Ban chấp hành Hội LHPN xã thường xuyên đến thăm gia đình em, cùng sự động viên bằng những suất quà gồm gạo, mì tôm, mắm muối, các nhu yếu phẩm thiết yếu hàng ngày. Bên cạnh đó, vào các dịp lễ tết, đầu năm học, những phần quà như sách vở, quần áo, học phí để em tự tin bước vào năm học mới, vượt qua khó khăn để học tập thật tốt.

PV: Trong thời gian tới, chị sẽ làm gì để tiếp tục lan tỏa Chương trình "Mẹ đỡ đầu" ?

Chị Trần Thị Huyền Trang: Thực tế, Chương trình "Mẹ đỡ đầu" phần nào chia sẻ khó khăn đối với các hộ gia đình, góp phần xoa dịu nỗi đau, trở thành điểm tựa để các em nhỏ mồ côi. Nhờ chương trình nhân văn này mà các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có thêm nghị lực, mạnh mẽ vượt lên số phận để được phát triển toàn diện trong môi trường lành mạnh từ gia đình và cộng đồng.

Mặc dù làm mẹ đỡ đầu gặp không ít khó khăn, nhưng với quyết tâm cao, trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo và tuyên truyền rộng rãi trên toàn xã về tính nhân văn của Chương trình "Mẹ đỡ đầu". Tiếp tục rà soát đối tượng; phối hợp với các ngành chức năng xác minh thông tin của trẻ mồ côi và người nuôi dưỡng đảm bảo đúng yêu cầu của pháp luật. Làm tốt vai trò vận động, kết nối, huy động sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành để có được nguồn lực tổng thể trong việc hỗ trợ, chăm sóc các trẻ mồ côi khó khăn. Tham mưu kiến nghị, đề xuất chính sách phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho trẻ mồ côi nhận được sự nuôi dưỡng, chăm sóc thay thế phù hợp để phát triển toàn diện.

PV: Trân trọng cảm ơn chị!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn