Nghiên cứu được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) công bố ngày 9/6 cho thấy từ tháng 5/2020, số lượt khám tại khoa cấp cứu do nghi ngờ có ý định tự tử bắt đầu gia tăng ở thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi, đặc biệt là trẻ em gái.
Sau đó vào năm nay, trong khoảng thời gian từ ngày 21/2 đến ngày 20/3, số lượt nghi ngờ có ý định tự tử trung bình hàng tuần cao hơn 50,6% ở trẻ em gái trong độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi so với cùng thời gian vào năm 2019. Trong khi đó. nghiên cứu cho thấy số lượt khám cấp cứu vì nghi ngờ có ý định tự tử ở trẻ em trai từ 12 đến 17 tuổi tăng 3,7%. Theo nghiên cứu, sự gia tăng này bắt đầu sau khi các ca cấp cứu do nghi ngờ tự tử vừa giảm vào đầu năm 2020.
Theo các nhà nghiên cứu, báo cáo mới cho thấy các lượt khám tại khoa cấp cứu vì nghi ngờ có ý định tự tử cao hơn so với trước, trong đại dịch COVID-19 và xu hướng đó chủ yếu ở những người trẻ tuổi.
Nghiên cứu bao gồm dữ liệu về các lần khám tại khoa cấp cứu trên 49 tiểu bang và Washington từ Chương trình Giám sát Hội chứng Quốc gia của CDC. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã xem xét kỹ các lần thăm khám nghi ngờ có ý định tự tử ở những người từ 12 đến 25 tuổi từ ngày 1/1/2019 đến ngày 15/5/2021.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, từ tháng 3 đến tháng 4/2020 những người trong độ tuổi này ít đến khám tại khoa cấp cứu vì nghi ngờ tự tử hơn so với năm 2019. Nhưng đến đầu tháng 5/2020, số lượt khám bệnh bắt đầu tăng lên ở thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi, đặc biệt là ở trẻ em gái và vẫn ở mức cao.
"Số lượt trung bình hàng vào tuần mùa hè năm 2020 cao hơn 26,2%, còn vào mùa đông năm 2020 thì cao hơn 50,6% so với các khoảng thời gian tương ứng vào năm 2019", nghiên cứu viết.
Ngoài ra, số lượt khám tại khoa cấp cứu do nghi ngờ có ý định tự tử vẫn ổn định ở trẻ em trai vị thành niên từ 12 đến 17 tuổi và ở tất cả người lớn từ 18 đến 25 tuổi so với các giai đoạn tương ứng trong năm 2019, mặc dù tỷ lệ đến khám tại khoa cấp cứu vì nghi ngờ có ý định tự tử tăng lên.
Nghiên cứu viết: "Sự khác biệt về số trường hợp nghi ngờ tự tử theo giới tính và sự gia tăng số ca nghi ngờ tự tử ở thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên trùng khớp với nghiên cứu trước đây".
Ngoài ra, nghiên cứu cũng đề cập: "Nỗ lực tự tử ở trẻ em gái vị thành niên cao hơn so với trẻ em trai. Nghiên cứu trước đại dịch COVID-19 chỉ ra rằng phụ nữ trẻ có tỷ lệ cấp cứu vì nghi ngờ tự tử cao hơn và ngày càng tăng so với nam giới". "Tuy nhiên, những phát hiện từ nghiên cứu này cho thấy phụ nữ trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với những gì đã được xác định trong các báo cáo trong đại dịch trước đó, củng cố việc cần tăng cường chú ý và phòng ngừa đối với nhóm đối tượng này".
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng dữ liệu nghiên cứu là các lần khám tại khoa cấp cứu và không có nghĩa là số ca tử vong do tự tử đã tăng lên. Đối với điều này cần phải nghiên cứu thêm.
Cần nghiên cứu thêm để xác định liệu có bất kỳ sự khác biệt nào liên quan đến chủng tộc hoặc dân tộc hay không và liệu có các phát hiện tương tự với những trường hợp ít nghiêm trọng hơn mà không được báo cáo cho các khoa cấp cứu hay không.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng vào năm 2020, tỷ lệ đến khám tại khoa cấp cứu liên quan đến sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi đã tăng 31% so với năm 2019, theo CDC.
Với việc công bố nghiên cứu mới, CDC Hoa Kỳ muốn lưu ý việc ngăn chặn tự tử với nhiều kết nối xã hội hơn cho những người trẻ tuổi, dạy các kỹ năng đối phó, tìm hiểu các dấu hiệu nguy cơ tự tử và cách ứng phó, và giảm khả năng tiếp cận các phương tiện tự sát gây chết người, chẳng hạn như thuốc và súng cầm tay.
- Hãy hỏi "Bạn có nghĩ đến việc tự sát không?". Đây không phải là một câu hỏi dễ dàng, nhưng các nghiên cứu cho thấy việc hỏi câu hỏi này với những người có nguy cơ tự tử không làm tăng khả năng tự tử hoặc suy nghĩ tự tử.
- Giữ an toàn cho họ bằng cách giảm khả năng tiếp cận các vật dụng hoặc nơi có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Ở bên cạnh họ, lắng nghe cẩn thận và tìm hiểu những gì họ đang suy nghĩ và cảm nhận.
- Giúp họ kết nối với các số điện thoại hỗ trợ. Ngoài ra, có thể giúp họ kết nối với những người đáng tin cậy như thành viên gia đình, bạn bè, hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.
- Nếu việc không may xảy ra, nên tiếp tục ở bên cạnh họ sau đó cũng như sau khi được xuất viện.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn