Trẻ em, phụ nữ Kenya khốn khổ vì đói khát

14:40 | 19/03/2017;
2,7 triệu người không có đủ lương thực, 1/3 số trẻ em bị suy dinh dưỡng - đó là những con số phản ánh hiện thực đau lòng đang diễn ra tại Kenya.

Emmanuel Ayapa đã 3 tuổi nhưng chỉ nặng 7kg. Em không thể đi và cũng không còn đủ sức để kêu đói.

Mặc dù vậy, gia đình không có đủ tiền để đưa con đi khám. Cô Veronica, 28 tuổi, mẹ của Emmanuel, cho biết: “Chúng tôi không có đủ thức ăn. Chúng tôi chỉ ăn một bữa mỗi ngày. Đôi khi tôi không thể ngủ được vì tôi cảm thấy rất chán nản. Tôi không ăn gì vì không có thức ăn và vì tôi quá lo lắng cho con của tôi. Tôi cũng không thể ra ngoài làm việc được vì hạn hán”.

tre-em-phu-nua-kenya-vat-lon-voi-han-han-nan-doi-7.jpg
 Cô Veronica và bé Emmanuel.
tre-em-phu-nua-kenya-vat-lon-voi-han-han-nan-doi-5.jpg
 3 tuổi nhưng bé Emmanuel chỉ nặng 7kg.

Mansani Lemoyok, một phụ nữ cao lớn sống cùng 4 người con trong một ngôi nhà tạm bợ được dựng lên từ những miếng gỗ vụn, cho biết, 2 ngày trước, cô đã buộc phải bán 2 con bò cuối cùng trong nhà. Tuy nhiên cũng chẳng được bao nhiêu tiền vì hai con bò đá quá gầy, giá đã bị giảm xuống tới 4 lần. Nhưng chí ít, nó cũng đủ để cô tạm thời giải cơn đói cho bọn trẻ trong nay mai.

Mansani kể, những đứa con của cô luôn cầu xin được ăn nhưng cô chỉ có thể cung cấp cho chúng một bữa ngô mỗi ngày: “Con tôi luôn miệng xin thức ăn và sữa. Nhưng tôi đã phải bảo chúng phải giữ im lặng cho đến chiều tối khi chúng tôi được ăn. Điều này đã trở nên tồi tệ, thực sự quá tồi tệ vì hạn hán. Đây là lần hạn hán tồi tệ nhất mà tôi từng chứng kiến. Nơi đây đã không có mưa kể từ tháng 12. Chúng tôi thực sự rất lo lắng vì điều này”.

tre-em-phu-nua-kenya-vat-lon-voi-han-han-nan-doi-4.jpg
 Leloon, 8 tuổi, lấy nước từ một hố nước hiếm hoi.
tre-em-phu-nua-kenya-vat-lon-voi-han-han-nan-doi-2.jpg
Cô Ntausen Lolema trả lời phỏng vấn trong lúc đứng chờ được phân thịt.

Khi đi vòng quanh vùng Isiolo và Samburu, đôi lúc, ta sẽ bắt gặp cảnh những người đàn ông điên cuồng đào bới trên mặt đất khô cằn để tìm thấy những hố nước ngầm. Hay cảnh những người phụ nữ xếp hàng dài để đợi lấy được một chút thịt. Ntausen Lolema, 44 tuổi, là một trong những người phụ nữ đó. Cô cho biết: “Chúng tôi rất sợ vì khi không còn gì để ăn thì chúng tôi sẽ phải làm gì nữa đây?”.

Trong một khu nhà nghèo nàn tại vùng Ololokwe, Kenya, bà Naalmalees sống cùng cô cháu gái Kumontare. Bà cho biết, bà thường sử dụng một chiếc máy bơm chạy bằng năng lượng gió để bơm nước. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có gió và những lúc thời tiết không ủng hộ, bà thường phải đi bộ 3 giờ đồng hồ để đi tới một lỗ khoan để lấy nước.

Bà Naalmalees chia sẻ: “Trong năm nay, mọi thứ dường như đã thay đổi quá nhiều. Trời nóng hơn và ít mưa hơn. Tôi chưa bao giờ thấy hạn hán kinh hoàng như thế này. Tôi không có quyền thay đổi khí hậu hoặc làm hạn hán kết thúc, vì vậy tôi chỉ có thể khích lệ những người trẻ tuổi cố gắng chống đỡ để chờ đến ngày có mưa”.

tre-em-phu-nua-kenya-vat-lon-voi-han-han-nan-doi-6.jpg
 Hạn hán đẩy 2,7 triệu người dân Kenya vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.
tre-em-phu-nua-kenya-vat-lon-voi-han-han-nan-doi.jpg
 1/3 trẻ em nơi đây bị suy dinh dưỡng.

Trước tình hình khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại đây, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là do hạn hán nghiêm trọng và sự tăng trưởng dân số nhanh chóng. Tình trạng này đã đẩy 2,7 triệu người Kenya vào tình trạng mất an ninh lương thực, 180.000 trẻ em bỏ học và 1/3 trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng.

tre-em-phu-nua-kenya-vat-lon-voi-han-han-nan-doi-3.jpg
Cô Sophia Ekileu, 21 tuổi, bế cậu con trai Ciphus Ekau, 11 tháng tuổi. Cô nói: "Hạn hán đồng nghĩa với thực tế có rất ít việc làm".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng khẳng định rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là do sự điều hành yếu kém và tệ nạn tham nhũng tràn lan trong chính quyền Kenya. Trong khi hàng triệu người dân phải đối mặt với đói nghèo, bệnh tật, thì chính trị gia Kenya được trả lương cao vào diện top đầu thế giới. Tầng lớp tinh hoa này còn nuông chiều bản thân với lối sống xa xỉ trong khi người dân của họ thì đang chết dần chết mòn trong tuyệt vọng.

Ông Stephen O'Brien, cựu Bộ trưởng Bộ phát triển quốc tế của Anh, đã phải lên tiếng: “Vụ mùa thất thu, giá lương thực tăng mạnh và các gia đình đang phải chịu cảnh đói khát nghiêm trọng. Bóng ma của nạn đói và bệnh tật một lần nữa lại ám ảnh Đông Phi. Đây là sự thật. Tuy nhiên, trong khi hạn hán là một nguyên nhân tự nhiên đáng sợ, thì chúng ta cũng cần phải nhấn mạnh đến nguyên nhân xuất phát từ chính bộ phận chính quyền yếu kém”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn