Dự án của Viện Babraham (BI) thuộc Đại học Cambridge, Anh đã thực hiện trẻ hóa tế bào da của một người phụ nữ tới 30 năm, dựa trên công nghệ giống như nhân bản, tạo ra cừu Dolly hồi thập niên 90 thế kỷ trước.
Theo giáo sư Wolf Reik, người chủ trì dự án, nguyên thủy kỹ thuật ra đời từ cuối thập niên 1990, khi các nhà nghiên cứu tại Viện Roslin, ĐH Edinburgh, Anh biến tế bào da trưởng thành lấy từ một con cừu thành tế bào gốc phôi thai, cho ra đời cừu Dolly nhân bản năm 1996. Mục tiêu chính của Viện Roslin là tạo ra cái gọi là tế bào gốc phôi người để phát triển thành các mô cụ thể, như cơ, sụn và tế bào thần kinh giúp thay thế các bộ phận cơ thể bị lão hóa, hay khuyết tật vì bệnh lý. Nay kỹ thuật này giúp trẻ hóa da, kể cả mục đích làm đẹp lẫn tăng cường sức khỏe khi con người ta về già.
Năm 2006, kỹ thuật nhân bản cừu Dolly tiếp tục được các nhà khoa học Nhật Bản phát triển và đề tài này được trao giải Nobel, tạo ra phương pháp có tên iPS, biến các tế bào "bình thường" có chức năng cụ thể thành tế bào gốc hay tạo ra những thay đổi di truyền, biến các tế bào trưởng thành thành tế bào gốc. Và đến nay, các chuyên gia ở BI đã bổ sung hay "tắm" hóa chất các tế bào trưởng thành trong khoảng 12 ngày thay vì 50 ngày như thông lệ. Kết quả, biến da người phụ nữ 53 tuổi thành tế bào da của một cô gái 23 tuổi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn