Trẻ mắc rối nhiễu tâm lý dễ tự kỷ, trầm cảm

11:39 | 24/02/2017;
Trẻ 15 tuổi vẫn đái dầm, bé 6 tuổi chỉ thích được bế, 1 một đứa trẻ không thiếu thứ gì nhưng thích ăn cắp vặt... Đó là những biểu hiện ban đầu của chứng rối nhiễu tâm lý ở trẻ em. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tự kỷ, trầm cảm.
Các nhà tâm lý giáo dục cho rằng, rất nhiều trẻ em hiện nay gặp khó khăn về văn hóa, tình cảm do thiếu sự quan tâm từ gia đình. Gia đình là tổ ấm, có mối liên hệ trực tiếp giữa các thế hệ. Mọi vui buồn đều tác động đến các thành viên trong gia đình, trong đó đứa trẻ bị tác động nhiều nhất vì nó không có cách gì chống đỡ với những biến cố đột ngột xảy đến.

Thế nhưng hiện nay, nhiều phụ huynh bận làm ăn nên không có nhiều thời gian dành cho con cái. Gia đình ít khi có bữa cơm chung. Trẻ được giao phó cho người giúp việc, cho ông bà, thiếu vắng sự chăm sóc, ôm ấp của bố mẹ. Nhiều người nghĩ, lo cho con cái một cuộc sống vật chất đầy đủ, một môi trường học tập thật tốt là đã làm tròn trách nhiệm. Nhưng thực ra, sự thừa thãi về vật chất không thể bù đắp lại những thiếu thốn về tình cảm, tinh thần. Ngay khi người mẹ sinh con ra, tuy trẻ tách khỏi mẹ nhưng vẫn cùng chung một cuộc sống với người mẹ. Trẻ cần được ôm ấp, được cho bú, được dạy dỗ, yêu thương...
Trẻ bị rối nhiễu tâm lý có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ
Lớn lên, trẻ không chỉ cần dòng sữa mẹ mà còn cần cả tình cảm của mẹ nữa. Nếu mẹ không có nhiều thời gian dành cho con, trẻ dễ bị hụt hẫng, dẫn tới co mình lại và rất dễ bị mắc chứng tự kỷ.

Một mâu thuẫn trong nhiều gia đình là con cái tuy được chiều chuộng nhưng lại ít được giáo dục tính tự lập từ bé. Đứa trẻ bị lệ thuộc, khác hẳn với trẻ em phương Tây. Lúc bé thì từ việc mặc quần áo, học gì là do cha mẹ chọn, lớn lên thì việc chọn ngành nghề... cũng do bố mẹ quyết định. Bố mẹ không gần gũi con nhưng mỗi khi kiểm tra bài vở thấy điểm kém là lại mắng chửi. Nếu đứa trẻ có những biểu hiện chống đối thì rất dễ bị rối nhiễu về tâm lý.

Trong gia đình đã vậy, ngoài xã hội thì lại phức tạp, cộng thêm những kiến thức mà trẻ thu nhận được từ tivi, internet... tất cả dội vào trẻ khiến nó phải gánh chịu hậu quả. Tác hại của tình trạng này là ngày càng nhiều thanh thiếu niên gặp khó khăn trong đời sống gia đình, ở nhà trường, cũng như ngoài xã hội.

Hiện nay, không ít người lớn thiếu hiểu biết về tâm lý của trẻ em và vị thành niên, nên cách ứng xử không đáp ứng được nhu cầu về tâm lý của trẻ, làm cho con em hẫng hụt, bế tắc. Những trẻ bị tự kỷ, rối loạn tâm lý nếu không được chữa trị sớm sẽ khó trưởng thành một cách bình thường mà trở thành những thanh thiếu niên lạc lõng, sống không mục đích và dễ lao vào những băng nhóm bạo lực, tội phạm.
Trẻ cần được ôm ấp, được dạy dỗ, yêu thương
Trẻ từ nhỏ đến lớn đều có thể gặp những rối nhiễu về tâm lý, thường gặp nhất là các bé dưới 6 tuổi. Một số nhóm rối nhiễu tâm lý hay gặp ở trẻ như: Rối nhiễu về học tập (trẻ chán học, học sút, học kém…); rối nhiễu tâm thể (khó ngủ, đái dầm, biếng ăn hoặc ăn nhiều quá mức…); rối nhiễu nhân cách (có dấu hiệu tự kỷ như thu mình, ngại tiếp xúc…) hoặc tự kỷ (sợ một thứ gì đó, trầm cảm, ngại giao tiếp, dễ tự ái…); rối nhiễu ngôn ngữ (nói ngọng, nói lắp, chậm nói…); rối nhiễu vận động (chậm đi, vận động khó khăn…); rối nhiễu hành vi (hiếu động quá mức, hay nói tục, nói dối)...

Thế nhưng, vấn đề này chưa được các bậc cha mẹ quan tâm đúng mức và những biểu hiện ban đầu của trẻ thường bị bỏ qua. Cha mẹ chỉ đưa trẻ đi khám khi thấy vấn đề đã trở nên trầm trọng. Việc thăm khám và trị liệu tâm lý cũng hết sức phức tạp, đòi hỏi phải có sự cộng tác tích cực của gia đình. Nhiều khi bố mẹ phải qua các khóa huấn luyện để biết cách nói chuyện, chơi với trẻ hoặc xử lý các tình huống…

Càng để các rối nhiễu trầm trọng thì việc trị liệu càng khó khăn, vì vậy gia đình cần thường xuyên quan tâm đến con em mình, phát hiện sớm những rối loạn về tâm lý để có sự can thiệp sớm của các nhà chuyên môn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn