Không ít cha mẹ ép con học để con mang thành tích về. Ảnh minh họa internet. |
Mấy ngày nay, chị Nguyễn Thảo Linh (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) “sốt xình xịch” trước việc con 5 tuổi chuẩn bị thi học sinh giỏi chương trình Ucmas. Mặc dù Trung tâm đã nhấn mạnh đây là sân chơi để các con có cơ hội thử sức, khẳng định bản thân sau một quá trình rèn luyện, nhưng với chị Thảo Linh, con phải ở top.
Chị Thảo Linh đã nghiên cứu các tài liệu về giáo dục sớm cho con từ khi còn đang mang bầu. Con được vài tháng tuổi, chị đã miệt mài dạy con rất nhiều điều. Chị hãnh diện khi nghe mọi người nhận xét con thông minh và có trí nhớ tốt so với các bé cùng độ tuổi. Chị ấp ủ sẽ phải cho bé học thật nhiều để lúc nào con cũng phải là số 1. Chị hoạch định sau này con sẽ học trường chuyên, lớp chọn, sẽ đi du học nước ngoài. Vậy nên, mặc dù con còn nhỏ, chị luôn nhồi nhét cho con ý nghĩ “phải học thật giỏi, học thật nhiều, luôn đứng đầu trong mọi lĩnh vực”.
Vì bệnh thành tích của cha mẹ, nhiều trẻ ở tuổi vui chơi đã phải học rất nhiều. Ảnh minh họa internet. |
Khi con 3 tuổi, ban ngày, bé học ở trường mầm non, buổi tối và hai ngày cuối tuần, bé chạy sô đủ các lớp: Vẽ, đàn, tiếng Anh, toán... Chưa kể, ở nhà, ngày nào chị Thảo Linh cũng dạy con học chữ, làm toán. Lịch của bé kín mít, nhiều lúc xin mẹ đi chơi ở công viên gần nhà, bé luôn bị từ chối vì lý do "chưa hoàn thành các bài tập mẹ giao".
Khi nhận thông tin Trung tâm tổ chức thi, điều chị Linh quan tâm nhất là làm thế nào để con có thể vượt qua các bạn “sừng sỏ” trong lớp và đạt giải. Thế nên, sau buổi học ở trường mầm non và những buổi học thêm các môn năng khiếu, chị Thảo Linh lại ốp con học ôn. Nhiều lúc con mệt mỏi, kiệt sức không thể tập trung học, chị Thảo Linh ức chế quát, đánh con... Chị quan niệm, con phải đạt giải trong mọi kỳ thi - đó là tiền đề tốt để con phát triển trong tương lai.