Hơn 10 năm qua, anh Tài tận tụy chăm sóc mẹ bị bệnh
Sinh ra, lớn lên tại TPHCM, sau đó kết hôn và sinh con, nhưng do sức yếu nên bà Mừng chỉ ở nhà làm nội trợ và nuôi dạy con. Bà kể: “Hơn 10 năm trước, khi các con đều khôn lớn và có gia đình riêng, tôi thấy mình mệt nhiều, khó thở và thỉnh thoảng có cơn đau thắt ở ngực. Đến bệnh viện (BV) khám thì bác sĩ nói tôi bị hở van tim kèm với tiểu đường và huyết áp cao, cần chú ý không làm việc nặng, tập thể dục thường xuyên và có chế độ ăn uống phù hợp. Từ đó, tôi bước vào cuộc sống của một người bệnh, tháng nào cũng phải đến bệnh viện tái khám và lấy thuốc”.
Tại khoa Hồi sức Tim mạch BV 115 (TPHCM), bà Mừng gắng gượng uống hết phần còn lại của hộp sữa mà anh Tài chuẩn bị rồi ngồi dậy một cách khó nhọc, men theo thành giường và mép tường đi vào nhà vệ sinh. Thấy mẹ bước xuống giường, như một thói quen đã được lập trình, anh Tài nhanh chóng nắm lấy tay, giúp mẹ có chỗ bám, nhưng bà lắc đầu và ra dấu hiệu không cần thiết. “Mẹ tôi rất ghét làm phiền con cháu, chỉ những khi mẹ quá mệt, không thể tự đi lại thì mới nhờ tôi dẫn đi vệ sinh, lấy đồ ăn… Bình thường ở nhà, nếu không có chuyện gì nghiêm trọng, mẹ vẫn đi tập thể dục dưỡng sinh buổi sáng và chiều tối, nhưng biến chứng vừa qua khiến tôi nghĩ mẹ có thể sẽ “đi theo” ba rồi. May mà…”, anh Tài kể.
Đầu tháng 10 vừa qua, bà Mừng có những biểu hiện mệt bất thường khiến bà không thể đi tập thể dục hay chơi với cháu như mọi ngày. Tình trạng đó kéo dài đến khi bà khó thở, những cơn đau nhói ở ngực kéo dài và liên tục khiến anh buộc phải đưa mẹ tới BV để được chẩn đoán bệnh. Vừa chuyển tới BV, ngay lập tức, bà Mừng được đưa vào phòng cấp cứu, hỗ trợ thở oxy, khiến anh Tài vô cùng lo lắng. “Dù mẹ tôi bệnh hơn 10 năm qua nhưng chưa khi nào tới mức phải vào phòng cấp cứu, cũng chưa bao giờ phải gắn máy oxy để hỗ trợ thở. Đứng ngoài nhìn mẹ, tôi rất sợ, không biết chuyện gì đang xảy đến. Cũng may, sau 2 ngày nằm phòng cấp cứu, mẹ tôi được đưa ra ngoài theo dõi và khỏe lên từng ngày. Bác sĩ bảo mẹ bị phù phổi cấp, nếu đến BV trễ một chút thì có thể rơi vào hôn mê”, người con trai đã bước vào độ tuổi lục tuần nhớ lại.
Hạnh phúc tại tâm
Dù mang trong mình nhiều căn bệnh cùng lúc, nhưng để có thể “sống khoẻ, sống có ích” trong nhiều năm qua, bà Mừng luôn giữ thái độ lạc quan, vui vẻ và sẵn sàng đón nhận bất kỳ điều gì, bởi bà quan niệm “trần gian chỉ là cõi tạm, ai cũng đến với cuộc đời này để hoàn thành một sứ mệnh nào đó rồi sẽ trở về với cát bụi”. Chính vì vậy, tuy gần 80 tuổi nhưng nhìn bà lúc nào cũng đầy sức sống, khuôn mặt tươi rói, hồng hào và luôn nở nụ cười khi nói chuyện với bất kỳ ai.
Nắm chặt đôi bàn tay người con trai đang massage cho mình, đôi mắt bà Mừng ngấn lệ: “Không phải ai lớn tuổi cũng được nhờ phúc con. Các con của tôi mỗi đứa lập gia đình một nơi, thậm chí có đứa kết hôn và sống ở nước ngoài, nhưng đứa nào cũng trách nhiệm, quan tâm, chăm sóc mẹ. Từ ngày tôi bị bệnh, con trai tôi thường xin nghỉ làm dài để đưa tôi đi khám. Nó cẩn thận chia các đơn thuốc vào từng hộp nhỏ, đến cữ tôi chỉ sẵn lấy uống và ngay cả bữa ăn cũng chia ra từng loại, để ý tới cả việc nêm sao cho không nhiều muối, loại thức ăn nào không tốt cho người tiểu đường... ”.
Giọng bà Mừng khẽ trùng xuống: “Đời có sinh, lão, bệnh, tử, ai rồi cũng phải trải qua, nhưng đón nhận điều đó như thế nào thì mỗi người lại khác nhau. Người thì sợ hãi, người đau đớn, người lại nhẹ nhàng… nhưng có một điều chắc chắn, nếu ai cũng biết đón nhận những khó khăn với sự thư thái, thì nỗi đau, sự sợ hãi sẽ giảm đi. Tôi tin, hạnh phúc là tại tâm, chúng ta nếu biết chấp nhận hiện tại và sống vui vẻ thì hạnh phúc sẽ đến. Tôi cứ giữ suy nghĩ đó, quan điểm đó để “sống chung” với những căn bệnh của mình, để đến bây giờ, dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra, tôi cũng chẳng còn gì phải luyến tiếc!”.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Tú (Trưởng khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện 115, TPHCM) |
Phù phổi cấp là một tình trạng ngạt thở do nhiều nguyên nhân khác nhau, chỉ có thể cứu được nếu can thiệp sớm và hiệu quả. Phù phổi cấp thường chia ra 2 nhóm. Nhóm nguyên nhân do tim mạch và không do tim mạch mà do nhiều nguyên nhân khác như viêm phổi, bệnh toàn thân, viêm tụy cấp, truyền dịch, truyền máu nhiều quá… có thể gây phù phổi. Triệu chứng phù phổi cấp tùy vào các nguyên nhân khác nhau mà có những biểu hiện khác nhau. Ở giai đoạn sớm nhất, bệnh nhân có thể bị nặng ngực, tức ngực, khó thở, trễ hơn có thể xuất hiện tình trạng thở nhanh, lo lắng, vã mồ hôi…, nếu nặng hơn nữa thì bệnh nhân bị lơ mơ và có thể rơi vào tình trạng hôn mê, trụy mạch. Chẩn đoán phù phổi cấp nói chung thường dễ, chỉ cần dựa vào lâm sàng trong đại đa số các trường hợp. Khi bệnh nhân được đưa tới phòng cấp cứu, chúng tôi thường sử dụng thuốc lợi tiểu, giãn mạch và cần thiết thì hỗ trợ bệnh nhân thở oxy. Sau khi bệnh nhân tạm ổn, chúng tôi sẽ tìm nguyên nhân dẫn đến bệnh tình trạng bệnh nhân bị phù phổi cấp và tiến hành điều trị. Tùy vào từng nguyên nhân mà sẽ có các cách điều trị khác nhau, tuy nhiên nếu không giải quyết triệt để thì phù phổi cấp có thể tái phát. Để phòng ngừa phù phổi cấp, người bệnh cần biết các nguyên nhân nào có thể gây phù phổi, cần điều trị và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh, ăn uống theo lời khuyên của bác sĩ điều trị, tránh stress, có chế độ sinh hoạt điều độ và tập thể dục thường xuyên. Khi thấy khó thở tăng dần hoặc tăng nhanh đột ngột, cần nhập viện ngay để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị. |