Nước lọc, nước trái cây, sinh tố, nước tăng lực, đồ uống thể thao,... đâu là lựa chọn cho trẻ nên uống gì vào mùa hè là tốt nhất?
Trong chương trình On Call for All Kids, Patrick Mularoni, MD , giám đốc y tế của chương trình Y học Thể thao Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Johns Hopkins All đã có những chia sẻ liên quan tới vấn đề này.
Với nhiều phụ huynh thì việc cho trẻ uống nước lọc, nhất là vào mùa hè đôi khi sẽ khó khăn hơn do trẻ thấy nước lọc không vị rất nhàm chán. Một số thì quan niệm rằng nước lọc đóng chai sẽ tốt hơn với nước đun sôi từ nước máy,...
Chưa kể đến nếu trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời trong mùa hè, chúng sẽ thích uống các loại đồ uống thể thao hơn. Vậy đâu là lựa chọn phù hợp, nên cho trẻ uống gì vào mùa hè?
Các chuyên gia từ Bệnh viện Nhi Johns Hopkins All cho biết, thức uống tốt nhất vẫn là nước lọc. Đối với nước uống thể thao đôi khi sẽ có quá nhiều đường và điều này thực sự không tốt cho trẻ. Đồ uống thể thao chỉ dành cho những người vận động với cường độ cao và bị mất điện giải.
Mặc dù uống nước ép tốt cho sức khỏe nhưng so với ăn trái cây trực tiếp thì ăn trái cây vẫn mang lại nhiều chất xơ hơn. Bổ sung đầy đủ chất xơ giúp hệ tiêu hóa của trẻ được khỏe mạnh.
Hơn nữa, nước ép mặc dù giàu chất chống oxy hóa và vitamin nhưng ở dạng cô đặc sẽ chứa khá nhiều đường. Chưa kể đến các loại nước ép được bày bán sẵn, nhiều người bán pha loãng và thêm đường để tăng thêm độ ngọt và bán được nhiều hơn.
Do vậy mà cha mẹ nên cân nhắc kĩ khi cho trẻ uống nước ép trái cây. Cha mẹ chỉ nên coi là một "món ăn vặt" chứ không dùng để thay thế cho nước lọc vào mùa hè được. Đặc biệt, cần bám theo khẩu phần khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng.
Câu trả lời là không. Lý do lớn nhất của việc trẻ em không nên uống nước tăng lực chính là có quá nhiều đường (54 – 62gr), caffeine và các phụ gia khác như taurine, guarana, nhân sâm, L-carnitine và yohimbin.
Nếu mùa hè này trẻ đã quen với các loại đồ uống như nước tăng lực có thể trẻ sẽ gặp khó khăn khi quay trở lại trường học.
Cụ thể, nếu uống nước tăng lực quá nhiều sẽ dẫn tới tình trạng tim đập nhanh, mất nước, mất ngủ và cần phải lệ thuộc vào chúng nếu muốn tỉnh táo - vấn đề sức khỏe này xảy ra đối với cả người lớn và trẻ em. Thậm chí, ở trẻ em, hệ lụy khi uống quá nhiều nước tăng lực còn nguy hiểm hơn ví dụ như hưng cảm, co giật, đột quỵ và tử vong do những tác động tiêu cực của caffein tới hệ tim mạch, thần kinh, tiêu hoá, thận và hệ nội tiết.
Nhìn chung sẽ có những công thức tính lượng nước cần uống cho trẻ theo độ tuổi và cân nặng. Cụ thể như sau:
- Tính nhu cầu nước của trẻ theo cân nặng:
Trẻ nặng từ 1 - 10kg: 100ml nước/1kg
Trẻ từ 11kg - 20kg: 1l nước/10kg đầu 50ml/1kg nặng tăng thêm
Trẻ từ 21kg trở lên: 1,5l/20kg đầu 10ml/1kg nặng tăng thêm.
- Tính nhu cầu nước của trẻ theo mức năng lượng đối với trẻ vị thành niên là 1,5ml nước/kcal.
- Với trẻ dưới 6 tháng tuổi
Các chuyên gia đều thống nhất khuyên rằng, trẻ em dưới 6 tháng tuổi không cần uống thêm nước ngoài sữa mẹ (hay sữa công thức). Nếu cho trẻ uống thêm nước không những không tốt mà còn có thể khiến trẻ bị ngộ độc giai đoạn đầu đời.
Biểu hiện ngộ độc nước ở trẻ dưới 6 tháng tuổi bao gồm: buồn ngủ, hạ thân nhiệt, mặt bị phù, tiểu nhiều,... lâu dài có thể làm giảm nồng độ natri trong máu và tác động tiêu cực tới não bộ.
- Trẻ sơ sinh từ 6 đến 12 tháng tuổi
Nhu cầu về nước uống ở trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi theo chuyên gia là từ 200 đến 300ml nước/ngày. Ngoài lượng nước từ sữa mẹ hoặc sữa công thức thì cha mẹ có thể bổ sung một lượng nước ngoài vừa phải khi trẻ đang ăn thức ăn khô, đặc.
Thông thường là từ 15 đến 30ml nước (khoảng 2 muỗng) sau mỗi lần trẻ ăn dặm để giúp trẻ vệ sinh sạch sẽ khoang miệng và kích thích vị giác tốt hơn.
- Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên
Lúc này thì tùy thuộc vào nhu cầu nước uống ở trẻ hoặc có thể dựa theo công thức cân nặng nêu trên. Cha mẹ chỉ cần giúp trẻ hình thành thói quen uống nước bằng cách sử dụng các bình có tay hỗ trợ cầm chắc.
Nếu băn khoăn liệu rằng con bạn có đang uống đủ nước vào mùa hè hay không, hãy nhìn vào màu sắc nước tiểu của trẻ để biết được tình trạng hydrat hóa. Nếu như nước tiểu của trẻ có màu vàng sẫm như nước táo ép thì con bạn có thể đang bị mất nước và cần bổ sung thêm.
Màu sắc nước tiểu bình thường là từ trong tới vàng nhạt. Buổi sáng nước tiểu thường có màu đậm nhất.
Tóm lại, vào mùa hè nước lọc là giải pháp tốt nhất vừa giúp trẻ ngăn chặn tình trạng mất nước mà không gây ra các tác dụng phụ đối với sức khỏe của trẻ. Bên cạnh nước lọc, nước ép trái cây, sinh tố cũng được khuyến khích thêm vào với một khẩu phần giới hạn theo các chuyên gia dinh dưỡng.
Theo hopkinsallchildren
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn