Sự phát triển của thai nhi có liên quan mật thiết tới người mẹ. Mọi hành vi của người mẹ đều tác động trực tiếp lên thai nhi, trong đó điều đáng sợ nhất không phải yếu tố ngoại cảnh mà là tâm trạng của người mẹ.
Khi mang thai, cảm xúc tiêu cực của người mẹ sẽ tác động tới vùng dưới đồi não của thai nhi, khiến trẻ hay quấy khóc, khó chịu khi chào đời.
Người mẹ thường xuyên mất bình tĩnh, hay chán nản, dễ gây tăng huyết áp, cản trở sự lưu thông máu tới thai nhi. Khi thai nhi bị thiếu oxy, nó sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất.
Tâm trạng không tốt của người mẹ còn khiến não bộ của thai nhi kém phát triển, thậm chí gây ra dị tật thai nhi. Sự thay đổi cảm xúc của phụ nữ mang thai sẽ làm thay đổi nội tiết, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi, trường hợp nặng có thể dẫn tới sinh non hoặc thai chết lưu.
Đặc biệt trong giai đoạn đầu thai kỳ, thai nhi còn non nớt, lúc này tâm lý bà bầu không ổn định có thể tác động xấu tới sự phát triển xương hàm và các cơ quan của phôi thai, khiến thai nhi tim đập nhanh, rau bong non.
Ngược lại, nếu tâm trạng người mẹ vui vẻ, thoải mái, lạc quan, thai nhi sẽ chịu tác động tích cực này mà phát triển một cách khỏe mạnh. Sau khi sinh ra, em bé thường có tính cách vui vẻ, EQ và IQ cũng cao hơn.
- 3 tháng đầu
Đây là thời điểm người mẹ có nhiều vấn đề khó chịu về thể chất và tâm lý nhất. Cảm xúc của họ dễ dàng thay đổi, hay lo lắng, phiền muộn, cáu gắt, trầm cảm, khó chịu… Đặc biệt, họ có xu hướng lo lắng quá mức về việc sẩy thai, sợ hãi và tránh quan hệ tình dục.
Trong tam cá nguyệt đầu tiên này, người mẹ cần chú ý tới 2 khía cạnh sau và tự điều chỉnh.
1. Điều chỉnh, thích nghi với những thay đổi thông thường
Các triệu chứng ban đầu của thai kỳ thường bao gồm thay đổi khẩu vị, nhạy cảm với một số mùi nhất định, ốm nghén và sụt cân. Theo quan sát và nghiên cứu của các bác sĩ, ốm nghén thực chất có liên quan mật thiết đến yếu tố tâm lý. Nếu người mẹ chán ghét việc mang thai, họ sẽ có những thay đổi lớn về tâm lý và cảm xúc, dễ bị ốm nghén nặng.
Ngược lại, nếu người mẹ ổn định về tâm lý, lạc quan, vui vẻ thì phản ứng ốm nghén sẽ không quá trầm trọng hoặc sẽ thuyên giảm dần.
Vì vậy, người mẹ muốn vượt qua giai đoạn này cần phải thư giãn đầu óc, điều chỉnh chế độ ăn uống khi khẩu vị thay đổi.
2. Cởi mở nhiều hơn
Một số người mẹ rất háo hức trước vai trò mới của mình, đồng thời lo lắng về tương lai khi có sự xuất hiện của em bé. Họ lo lắng quá nhiều về cơ thể thay đổi, việc chăm sóc em bé, dẫn tới tâm lý căng thẳng.
Điều này có thể khiến tâm lý của người trở nên tiêu cực, rất bất lợi cho thai nhi. Vì vậy, người mẹ cần cố gắng cởi mở hơn trong mọi việc. Nếu có thể, hãy chia sẻ những điều mình lo lắng với chồng và người thân.
- 3 tháng giữa
Lúc này, người mẹ đã thích nghi với những thay đổi về tâm sinh lý, tâm lý nhìn chung ổn định. Trong giai đoạn này, người mẹ có thể xuất hiện những vấn đề bất thường như tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp, dị tật thai nhi… Đối mặt với những gánh nặng tâm lý này, người mẹ cần gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe thường xuyên, kịp thời phát hiện ra những dấu hiệu bất ổn của thai nhi. Người mẹ nên chú ý một số điều sau:
1. Khám thai định kỳ đúng hẹn
Việc khám thai định kỳ là điều rất cần thiết trong tam cá nguyệt thứ 2.
2. Tìm hiểu trước quá trình sinh nở
Mặc dù thời điểm sinh nở vẫn còn lâu nhưng người mẹ bắt đầu có những lo lắng từ thời điểm này. Lo sợ quá mức không phải là một cách hay nếu người mẹ tìm hiểu trước một số kiến thức về sinh nở và hiểu rõ hơn về quá trình chuyển dạ. Người mẹ nên cùng gia đình chuẩn bị một số đồ dùng cần thiết cho việc sinh nở, điều này có thể khiến họ cảm thấy dễ chịu hơn.
- 3 tháng cuối
Gánh nặng tâm lý của người mẹ tăng lên đáng kể trong những tháng cuối của thai kỳ, chẳng hạn như việc thiếu kinh nghiệm sinh nở, vỡ ối sớm, xuất hiện những cơn co thắt thường xuyên hay quá ngày dự sinh vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ…
Hơn nữa, người mẹ có thể bị tác động bởi những câu chuyện người thân kể về các biến cố khi chuyển dạ như băng huyết sau sinh, thai nhi ngạt thở… Họ trở nên bị áp lực, dễ xúc động, hoảng sợ hoặc trầm cảm. Để đối phó với điều này, người mẹ có thể điều chỉnh tâm lý bằng cách sau:
1. Trò chuyện với mọi người nhiều hơn
Khi tâm trạng không tốt, người mẹ nên nói chuyện với chồng, gia đình, bác sĩ hoặc bạn bè. Chia sẻ là cách để giảm căng thẳng và khiến tâm trạng của người mẹ trở nên tốt hơn.
2. Giữ bình tĩnh
Khi gặp những điều không vừa ý, không nên cảm thấy có lỗi với bản thân và người khác, người mẹ nên đối mặt với vấn đề với tâm trạng vui vẻ, lạc quan, bao dung, biết giữ cái đầu tĩnh sẽ khiến mọi chuyện trở nên "dễ thở" hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn