Như thế nào là tình trạng trẻ sơ sinh ngủ nhiều, bú ít?
Đối với trẻ sơ sinh, nhu cầu ăn và ngủ đều rất cao, cần phải đảm bảo sự cân bằng để bé phát triển toàn diện. Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, thời gian ngủ của trẻ sơ sinh có thể kéo dài từ 14–17 tiếng, trong đó có khoảng 11-12 tiếng là giấc ngủ đêm. Tuy nhiên, có trẻ sẽ ngủ tới 18 tiếng/ngày, thậm chí là hơn.
Về bữa ăn của trẻ, cứ cách 2-3 tiếng, trẻ sơ sinh sẽ cần ăn một lần, với bé uống sữa công thức sẽ lâu hơn. Khi càng lớn, lượng sữa bé ăn sẽ tăng lên, số bữa ăn giảm xuống và khoảng cách giữa 2 bữa ăn sẽ dài hơn.
Về lượng sữa, các bác sĩ nhi khoa khuyên rằng trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa ăn dặm nên ăn khoảng 59-74ml sữa cho 450g trọng lượng cơ thể trong 24 giờ. Có nghĩa là nếu trẻ nặng 6kg, trẻ sẽ cần tiêu thụ 800ml – 1l sữa mỗi ngày.
Nếu trẻ ngủ nhiều và ăn ít hơn con số kể trên thì chứng tỏ là trẻ đang ngủ nhiều ăn ít. Vậy bé bú ít, ngủ nhiều có tốt không? Mặc dù ngủ nhiều sẽ giúp trẻ lớn nhanh và khỏe mạnh, tốt cho sự phát triển của não bộ, giúp tinh thần bé thoải mái và tăng cường hệ miễn dịch, nhưng trẻ bú ít lại có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của bé.
Trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít có thể ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ. Ảnh minh họa
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ nhiều, bú ít?
1. Bé đang trong giai đoạn phát triển
Tùy theo độ tuổi mà bé có từng giai đoạn phát triển khác nhau, nhưng phổ biến nhất là khoảng thời gian từ 3-4 tuần tuổi, 7 tuần tuổi, 10 tuần tuổi, 3-4 tháng tuổi, 6 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Trong giai đoạn này, trẻ sẽ ngủ nhiều hơn bình thường, ăn ít hơn nên mẹ đừng lo lắng nhé.
2. Bé đang mọc răng
Từ 4-6 tháng, nếu trẻ ăn ít đi thì đây có thể là dấu hiệu của việc mọc răng. Thông thường, trẻ có thể bị sốt nhẹ, ngủ nhiều hơn, chán ăn. Lời khuyên cho mẹ là không nên ép con ăn, hãy chia bữa ăn của trẻ thành 6-8 bữa thay vì 4-5 bữa như bình thường. Mỗi lần chỉ nên cho con ăn từng chút một.
3. Bé quá nóng
Khi quá nóng, bé sẽ cảm thấy mệt mỏi, không đủ tỉnh táo để ăn nên lượng sữa sẽ ít hơn so với bình thường. Để khắc phục tình trạng này, mẹ nên cho trẻ ăn và chơi ở nơi thoáng mát, mặc quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi.
4. Bé bị phân tâm
Khoảng 3 tháng tuổi, bé sẽ biết nhiều hơn, dễ bị phân tâm bởi âm thanh và môi trường xung quanh, từ đó bé có thể sẽ ngừng ăn. Vì vậy, khi cho bé ăn, mẹ nên chọn yên tĩnh, có thể mở tiếng ồn trắng để bé tập trung ăn hơn.
Nếu trẻ bú ít do bị phân tâm khi ăn, mẹ nên cho trẻ ăn ở nơi yên tĩnh, có tiếng ồn trắng. Ảnh minh họa
5. Bé muốn ăn thực phẩm rắn
Trong khoảng thời gian từ 4-6 tháng, nếu bé đột nhiên không muốn bú bình dù trước đó ăn rất tốt và hay nhìn đồ ăn khác thì rất có thể bé đang muốn ăn thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Theo một số nghiên cứu, một số loại thực phẩm cũng có thể làm thay đổi thói quen ngủ của bé, cụ thể bé ngủ nhiều và say hơn trước. Tuy nhiên, các mẹ lưu ý chỉ nên tập cho con ăn dặm khi con được 5-6 tháng và cần bắt đầu với đồ ăn loãng, tập từng chút một vì hệ tiêu hóa lúc này của bé vẫn chưa thực sự hoàn thiện.
6. Bé bị nhiễm virus
Khi bị nhiễm virus, số giấc ngủ và thời gian ngủ của bé sẽ tăng lên, ngược lại lượng ăn của bé có thể bị giảm xuống. Lúc này, bố mẹ nên cho con ăn ngủ theo nhu cầu, không nên ép con, khiến con mệt mỏi hơn và dễ bị biếng ăn về sau. Hầu hết các loại virus chỉ tồn tại trong vài ngày, nhưng nếu tình trạng chán ăn, ngủ nhiều kéo dài hơn 7 ngày thì mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ nhi khoa ngay.
7. Bé vừa tiêm phòng xong
Trong khoảng 24-48 giờ sau khi tiêm, bé có thể sẽ ngủ nhiều hơn, các giấc ngủ lâu hơn và không muốn ăn. Điều này là do lúc này cơ thể con đang trong quá trình xây dựng khả năng miễn dịch với các loại virus, vi khuẩn gây bệnh và việc này sẽ khiến con cảm thấy mệt mỏi hơn.
8. Bé có lượng đường trong máu thấp
Nếu trẻ sơ sinh ngủ nhiều, bú ít thì rất có thể bé bị hạ đường huyết. Dấu hiệu của em bé có lượng đường trong máu thấp có thể bao gồm thân nhiệt giảm nhanh, nhịp tim đập nhanh, da mặt nhợt nhạt, tay chân lạnh,... Nếu nghi ngờ bé bị hạ đường huyết, bố mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay lập tức.
Mẹ không nên để trẻ ngủ quá lâu mà nên đánh thức trẻ dậy để ăn. Ảnh minh họa
Giải pháp cho mẹ khi trẻ sơ sinh ngủ nhiều, bú ít
Trẻ ngủ quá nhiều, ăn ít có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ, nên mẹ cần gọi bé dậy để ăn. Lời khuyên cho mẹ là mẹ không nên để con ngủ quá 2,5 tiếng mỗi giấc vào ban ngày, để bé tập trung ngủ chủ yếu vào ban đêm, từ đó lượng ăn sẽ tốt hơn.
Để gọi con dậy ăn, mẹ có thể áp dụng một số cách sau:
- Chạm nhẹ vào bé: Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm nên chỉ cần chạm nhẹ vào má hoặc bộ phận cơ thể khác cũng có thể khiến bé cử động, tỉnh giấc.
- Làm mát: Nếu bé ngủ quá sâu, khó đánh thức, mẹ có thể dùng một chiếc khăn ấm lau nhẹ lên bàn chân, lưng, tay, mông.
- Bỏ lớp khăn quấn: Khi được bọc trong lớp chăn ấm áp, trẻ sẽ ngủ ngon và sâu giấc hơn. Do đó, khi muốn con tỉnh dậy, mẹ hãy bỏ lớp chăn này ra nhé.
- Cho bé bú: Khi đặt ti mẹ vào miệng, trẻ sẽ có phản xạ mút tự nhiên. Khi bé bắt đầu bú sữa mẹ, bé sẽ dần tỉnh ngủ. Tuy nhiên, cách này không mấy khả quan vì một số bé sẽ tiếp tục ngủ sau khi ăn.
Với những trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít và đi kèm với một số dấu hiệu như sốt, mất nước, tiêu chảy, nôn trớ,... thì rất có thể trẻ đang bị bệnh, do đó mẹ nên đưa bé đi khám càng sớm càng tốt để tìm ra phương pháp điều trị thích hợp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn